MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thomas Edison đứng bên một chiếc xe điện. Ảnh: Wiki

Xe điện và hành trình chinh phục thế giới: Khởi nguyên

Anh Vũ LDO | 08/01/2022 12:05
Được mệnh danh là tương lai của giao thông đường bộ, nhưng rất ít người biết rằng vào đầu thế kỷ 20, có nhiều xe điện chạy trên đường hơn là xe sử dụng xăng.

Xe điện (Electric vehicle - EV) với các ưu điểm vượt trội như êm ái, không gây ô nhiễm môi trường, không phải mua xăng dầu thường xuyên hiện đang là xu thế mới trên toàn thế giới.

Được mệnh danh là tương lai của giao thông đường bộ nhưng rất ít người biết rằng vào đầu thế kỷ 20, có nhiều xe điện chạy trên đường hơn xe sử dụng xăng. Tuy nhiên, Ford, với tầm nhìn rằng xăng sẽ được phổ biến rộng rãi hơn điện trong thời điểm đó, đã xây dựng một hệ thống vận tải dựa trên xăng mà sẽ tồn tại hơn một trăm năm đến tận ngày nay.

Những người tiên phong (1830-1880)

Trong suốt đầu những năm 1800, một loạt các đột phá công nghệ trong pin và động cơ đã hỗ trợ cho sự ra đời của những chiếc xe điện đầu tiên. Ý tưởng về một chiếc xe chạy bằng điện đã xuất hiện trong đầu những người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật và ô tô ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ngay từ những năm 1830, các nhà phát minh ở Hungary, Hà Lan, Anh và Mỹ đã tập trung nỗ lực vào việc kết hợp những tiến bộ công nghệ này để tạo ra một chiếc xe. Mặc dù đây là một chủ đề gây tranh cãi, nhưng nhiều người cho rằng những chiếc xe điện cỡ nhỏ đầu tiên được phát triển từ năm 1828-1832.

Bản vẽ chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Wiki

Người ta nói rằng chiếc xe điện đầu tiên đã được trưng bày tại một hội nghị công nghiệp vào năm 1835 bởi một nhà phát minh người Anh tên là Robert Anderson. Phương tiện của Robert Anderson sử dụng pin dùng một lần chạy bằng dầu thô để quay bánh xe.

Cùng khoảng thời gian đó, nhà khoa học người Hungary Ányos Jedlik và giáo sư người Hà Lan Sibrandus Stratingh đều đã phát minh ra những mô hình xe điện. Ở bên kia Đại Tây Dương, Thomas Davenport, một nhà phát minh chuyển sang làm thợ rèn người Mỹ cũng được cho là đã phát minh ra các thành phần không thể thiếu của động cơ điện để có thể sản xuất ra chiếc ô tô điện đầu tiên.

Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những nguyên mẫu của xe điện với tốc độ tối đa 12km/h cùng hệ thống lái cồng kềnh và phạm vi hoạt động nhỏ. Sau đó, vào những năm 1860, một nhà vật lý người Pháp tên là Gaston Plante đã phát minh ra pin axit-chì có thể sạc lại - đây là một bước đột phá to lớn đối với tính di động của điện.  Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 1880, những phát minh về pin và động cơ điện này mới được nhà tiên phong về di động điện William Morrison kết hợp với nhau để tạo ra chiếc xe điện "thực tế" đầu tiên.

Ở Mỹ, chiếc ô tô điện “thực tế” đầu tiên được chế tạo bởi William Morrison, một nhà hóa học sống ở Des Moines, Iowa. Phương tiện của Morrison là loại xe Surrey kéo bằng ngựa truyền thống - phổ biến ở Mỹ vào thế kỷ 19 - được chuyển đổi để phù hợp với pin. Xe điện của Morrison có thể chở tối đa 12 người và có tốc độ tối đa là 32km/h.

Quá trình chuyển đổi sang vận tải cơ giới (1880-1914)

Vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhiều người bắt đầu đổi ngựa và xe ngựa của họ sang sử dụng xe cơ giới. Từ đó, ô tô nhanh chóng trở nên phổ biến và cuộc chiến lựa chọn tương lai cho sự di chuyển bắt đầu. Hơi nước, xăng hoặc điện là các lựa chọn duy nhất cho phương tiện di chuyển vào thời điểm đó.

Vào lúc này, có một sự phân chia khá đồng đều giữa ba kiểu phương tiện trên đường phố Mỹ: Khoảng 40% phương tiện chạy bằng hơi nước, 38% chạy bằng điện và chỉ 22% chạy bằng xăng.

Các phương tiện chạy bằng hơi nước đã ngày càng trở nên phổ biến kể từ những năm 1870 và chiếm phần lớn thị trường xe cộ Mỹ vào đầu thế kỷ 18, tuy nhiên đã có những thất bại lớn dẫn đến sự sụp đổ của chúng. Chúng cần thời gian khởi động lên đến 45 phút và được đổ đầy nước liên tục, điều này làm hạn chế phạm vi hoạt động của chúng. Bên cạnh đó, động cơ hơi nước tỏ ra không thực tế lắm đối với các phương tiện giao thông cá nhân.

Tại cùng thời điểm William Morrison đang chế tạo cỗ xe chạy bằng điện của mình, Gottlieb Daimler và Carl Benz đồng thời phát triển những chiếc xe đầu tiên trên thế giới vào năm 1886 tại Đức. Tuy nhiên, xe ô tô chạy xăng yêu cầu người lái phải sang số và khởi động xe bằng chân côn rất nặng. Chúng cũng ồn ào hơn nhiều so với những người anh em họ hàng bằng hơi nước hoặc điện và thải ra các chất ô nhiễm khi hoạt động.

Một chiếc xe điện do kỹ sư người Anh Thomas Parker chế tạo. Ảnh: Wiki 

So với hai loại phương tiện còn lại trên thị trường, ô tô điện tỏ ra là một lựa chọn đầy tính cạnh tranh. Chúng không thải ra bất kỳ chất ô nhiễm khó chịu nào, ít phải bảo dưỡng hoặc mất thời gian khởi động.  Xe điện cũng dễ lái hơn và hoạt động một cách êm ái hơn nhiều so với hai loại xe kia.

Với lý do đó, ô tô điện nhanh chóng trở nên phổ biến với người dân thành thị, nơi luôn có sẵn điện. Khi số người sử dụng điện tăng lên, loại xe này càng trở nên phổ biến hơn.  Sự nổi tiếng này đã lọt vào mắt xanh của nhiều nhà tiên phong thời đó: Porsche đã phát triển chiếc xe hybrid đầu tiên trên thế giới trong khi Thomas Edison thậm chí còn hợp tác với Henry Ford để chế tạo một chiếc xe điện giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, tất cả động lực này đều không thành công, với sự ra đời của dây chuyền lắp ráp hiệu quả về chi phí của Ford và lượng xăng dầu sẵn có.

Mời quý vị độc giả đón đọc số thứ 2 mang tên “Xe điện và hành trình chinh phục thế giới: Thăng trầm” trên laodong.vn vào chiều ngày 8.1.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn