MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẫn còn hàng nghìn xe máy vi phạm nằm phơi nắng, phơi mưa. Ảnh: Đ.Tiến

136.000 phương tiện thu giữ vẫn nằm gỉ sét dù đã quá hạn xử lý

Nhóm PV LDO | 18/12/2019 08:18
Mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt xe máy, ôtô bị tạm giữ vì vi phạm giao thông, trong đó hơn 136.000 phương tiện vẫn nằm ở kho bãi dù đã quá hạn xử lý. Nhiều xe Lexus, Camry “đắp chiếu” từ lâu nhưng không có chủ nhân đến nhận, nay đã bị hư hỏng nặng, trở thành những đống “sắt vụn”.

Theo quy định, các phương tiện vi phạm bị tạm giữ, CSGT sẽ lập biên bản và ra quyết định tạm giữ, viết giấy hẹn trong vòng 7 ngày.

Trong vòng 30 ngày, người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi giấy mời 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Sau thời gian này, CSGT sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng 3 lần, đồng thời dán niêm yết thông tin tại trụ sở tiếp dân của đơn vị.

Nếu vẫn không ai nhận, trong vòng 1 tháng sau, cơ quan công an sẽ ra quyết định tịch thu, định giá và thành lập hội đồng bán thanh lý. Thông thường, thủ tục thanh lý 1 xe vi phạm là khoảng 3 tháng.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9.2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ hơn 4,2 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó xe máy chiếm 92,1%, ôtô chiếm 5,8%. Cũng tính đến tháng 9.2019, tại Công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được (chiếm 3,18%). Trong đó, số phương tiện thuộc sở hữu cá nhân chiếm 85,5%; còn lại là phương tiện thuộc chủ sở hữu tổ chức và chưa xác định được chủ sở hữu.

Một số khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tạm giữ, tịch thu phương tiện GTVT đường bộ như: Các văn bản quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ nên áp dụng pháp luật khó khăn; thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu; chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện đã quá hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận...

Về thực tiễn, theo đồng chí Thứ trưởng, việc gia tăng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được, dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tạm giữ quá lâu khiến nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được (chiếm 27% số phương tiện tồn đọng). Nhiều phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không xác định được chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện bị tạm giữ do tình trạng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho phương tiện nhưng không thực hiện thủ tục sang tên; khi bị tạm giữ phương tiện, người vi phạm đến cơ quan chức năng giải quyết không xuất trình được giấy tờ hợp pháp.

Từ thực tiễn nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. 

Kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 74 theo hướng, đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn