MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3 trường hợp được rời hiện trường khi xảy ra tai nạn giao thông

Xuyên Đông LDO | 16/12/2022 10:00
Theo quy định của pháp luật, người gây tai nạn giao thông chỉ được rời hiện trường trong 3 trường hợp.

Trước hết, khi xảy ra tai nạn giao thông, người gây tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền (điểm a, điểm c Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008).

Tuy nhiên trong 3 trường hợp quy định tại điểm b Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người gây tai nạn có thể tạm rời khỏi hiện trường. Đó là trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Hưng Thơ

Không chỉ người gây tai nạn, theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ, những người có mặt ở hiện trường và người điều khiển phương tiện qua nơi xảy ra tai nạn đều phải có trách nhiệm.

Cụ thể, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

 Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn