MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe máy, xe đạp điện tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Công an TP Hà Nội

6 nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy xe đạp, xe máy điện

KHÁNH AN LDO | 18/11/2023 20:00

Qua công tác điều tra các vụ cháy liên quan đến xe điện, Công an Hà Nội đã chỉ ra các nguyên nhân chính gây cháy, nổ đối với các xe điện đang sử dụng, hoặc để kinh doanh.

Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ôtô điện đang hoạt động. Xu hướng sử dụng phương tiện này đang gia tăng trong cộng đồng, nhưng hạ tầng cho xe điện thì chưa được đầu tư tương xứng với sự gia tăng của loại hình phương tiện này.

Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện, pin của xe điện. Trong thời gian qua, tại Việt Nam xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như vụ cháy xe điện ở nhà dân tại khu phố Xuân Phú (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xảy ra ngày 12.7 làm 2 người tử vong. Hay vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, buôn bán xe đạp, xe máy điện tại số 905, đường 423 (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) xảy ra vào ngày 19.7, làm 3 người tử vong…

Theo Công an TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ là do sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Việc lắp đặt thêm, thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…) hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên, có thể gây cháy, nổ.

Nguyên nhân tiếp theo có thể xuất phát từ bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại ở xe điện, gây ra cháy, nổ. Những mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt cũng có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.

Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.

Việc sạc điện không đúng hướng dẫn, sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên.... cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin và gây cháy.

Khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện), thiết bị báo động sẽ tiêu thụ điện năng sẽ làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai. Quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn) từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin có thể gây cháy xe.

Theo Công an TP Hà Nội, một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy, như: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn