MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ai chịu trách nhiệm khi cây xanh ngã đè hỏng phương tiện?

TRẦN KHANH LDO | 04/03/2020 07:02
Thời gian qua, hàng loạt xe ôtô đỗ trên phố ở Hà Nội, TPHCM bị cây xanh gãy đổ đè lên gây hư hỏng nặng. Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai khi xảy ra tai nạn lại khiến nhiều tỏ ra băn khoăn.

Luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, tại Khoản 2 và 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ, đối với trường hợp bất khả kháng như mưa, gió lớn bất ngờ mà làm đổ cây gây hư hỏng phương tiện thì người dân phải tự chịu. Còn trong trường hợp có thiên tai, không có sự kiện bất khả kháng nhưng cây xanh tự ngã đổ gây ra thiệt hại thì đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường. 

Theo luật sư Diệp Năng Bình, đơn vị quản lý và chăm sóc cây xanh phải có trách nhiệm khi để cây gãy đổ gây hư hỏng phương tiện. Bởi nếu đơn vị này làm tốt công việc khảo sát, thống kê, xem xét tình trạng của cây xanh do mình quản lý trước mỗi mùa mưa bão có thể hạn chế được tai nạn không mong muốn. 

Trường hợp cây xanh có nguy cơ sắp gãy thì phải chặt tỉa cành, loại bỏ các cây già cỗi, mục ruỗng để phòng ngừa gãy đổ gây nguy hiểm cho người đi đường và tài sản. Như vậy, trường hợp bất khả kháng sẽ bị loại trừ hoặc ít khi xảy ra, nếu có thì thiệt hại không lớn. 

“Ngược lại, trong trường hợp bình thường, không có sự kiện bất khả kháng mà cây tự ngã đổ gây hư hỏng tài sản của người dân thì đương nhiên đơn vị quản lý cây xanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường. Đây là trách nhiệm trực tiếp vì lỗi là do đơn vị này không làm tốt việc quản lý, chăm sóc cây xanh để cây gây ra thiệt hại” luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh. 

Cũng theo luật sư Bình, trong mọi trường hợp xe ôtô, tài sản của người dân bị thiệt hại do cây xanh đường phố gây ra, thì đơn vị quản lý cây xanh đều phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ khác nhau, trực tiếp hay liên đới. 

Nhằm hạn chế tai nạn liên quan đến cây xanh gây thiệt hại về người và tài sản, anh Nguyễn Quốc Nam (38 tuổi) - quản lý  chung cư Ehome3 (quận Bình Tân, TPHCM) cho rằng, các đơn vị quản lý nên đánh dấu và thông báo những điểm nguy hiểm, cây cối có thể gãy đổ để phòng ngừa, cảnh báo từ trước. Khi đó, nếu chủ xe vẫn cố tình đậu, đỗ vào những điểm này thì phải tự chịu trách nhiệm, đơn vị quản lý cây xanh được miễn trừ. 

“Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cây xanh có thể yêu cầu chủ sở hữu ôtô phải mua bảo hiểm nếu muốn đậu, đỗ ở những nơi có thể gây nguy hiểm. Việc này có thể dễ dàng triển khai nếu việc thu phí chỗ đỗ xe ở khu vực đô thị, nội thành được triển khai, đặc biệt ở các thành phố lớn như ở TPHCM, Hà Nội,...” anh Nguyễn Quốc Nam nói.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng khi thực hiện trách nhiệm bồi thường phải ưu tiên theo hướng bồi thường thiệt hại trong hợp đồng trước. Nghĩa là xe ôtô, tài sản nếu đã mua bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm phải bồi thường theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Sau đó, mới tính đến phương án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm bồi thường của đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn