MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công tác cứu nạn trong vụ chìm tàu Hải Thành 26-BLC ngày 28.3.2017 vừa qua. Ảnh: Duy Công

Báo động tình trạng tai nạn đường thuỷ, hàng hải

Hải Anh LDO | 14/04/2017 07:00
Ngoài yếu tố thời tiết bất thường, các cơ quan chức năng xác định có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng tai nạn đối với tàu biển và tàu nội địa cấp VR-SB gia tăng đáng báo đô%3ḅng trong quý IV/2016 và quý I/2017

Tai nạn gia tăng, nhiều vụ nghiêm trọng

Phát biểu trong Hội nghị Tăng cường an toàn tàu biển nội địa và phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB khu vực phía Bắc, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải đánh giá trong 6 tháng qua, tình hình tai nạn đối với tàu biển và tàu nội địa cấp VR-SB tăng mạnh trong đó nhiều vụ tàu bị chìm đắm hoàn toàn, gây ùn tắc toàn bộ tàu và hàng hóa. Bên cạnh đó, có những vụ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản như tàu Thuận Phát 08 ngày 26.11.2016, tàu Hùng Thái 17 ngày 29.11.2016, … gần đây là tàu Hải Thành 26-BLC ngày 28.3.2017, tàu Minh Dương 8888 ngày 31.3.2017.

Phân tích của các Cục Đăng kiểm VN, Đường thủy nội địa VN, Hàng hải VN chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể dẫn đến tai nạn tàu như việc điều động tàu của sĩ quan, thuyền viên làm việc trên tàu không tuân thủ quy định, không đủ khả năng ứng phó sự cố và xử lý các tình huống khẩn nguy tàu gặp phải trên biển. Tàu chở hàng quá tải, chở hàng có tính chất nguy hiểm không tuân thủ đúng quy định, vi phạm quy định về vùng hoạt động, tàu không được định biên theo đúng quy định; sỹ quan, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, các vi phạm này thuộc về trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng trong công tác quản lý khai thác vận hành tàu.

Tàu không có đủ các trang thiết bị theo quy định hoặc trang thiết bị hoạt động không tin cậy và chủ tàu không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sữa chữa, trang bị lại thường xuyên cho tàu. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng đơn vị đăng kiểm, cảng vụ chưa tuân thủ các quy định khi thực hiện công vụ dẫn đến tàu còn khiếm khuyết hoặc vi phạm các quy định về an toàn sau khi hoàn thành kiểm định hoặc trước khi rời bến.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận định hiện còn có những chủ tàu không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn hàng hải và một số cảng vụ chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ dẫn đến các vụ tai nạn tiếp tục xảy ra.

Ngăn tai nạn bằng cách nào?

Để đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã yêu cầu Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ tăng cường công tác kiểm soát các tàu biển, phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB trong đó đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ công tác xếp, dỡ hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được xếp, chằng buộc theo đúng quy định, đúng trọng tải cho phép, kiểm tra công suất các tàu, thiết bị an toàn hàng hải, khả năng ứng phó tình huống, khả năng ứng phó của thuyền trưởng, thuyền viên khi có thể xảy ra tai nạn và xử lý nghiêm các vi phạm về thiếu thiết bị cảnh báo tai nạn, trang thiết bị cứu sinh, không cho xuất bến các tàu không đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải, đường thủy nội địa tới các doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền viên để nâng cao ý thức chấp hành an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Đối với hai đối tượng quan trọng là chủ tàu và thuyền trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, an ninh, và đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân liên quan trong thời gian tới tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tối đa các tiềm ẩn nguy cơ gây ra mất an toàn tàu biển nội địa và phương tiện thủy nội địa.

Về phần mình, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến nghị các chủ tàu tuân thủ các quy định, thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, đột xuất và trang bị lại thường xuyên cho tàu đồng thời chú ý đến các trang thiết bị an toàn và các trang thiết bị sử dụng trong các tình huống khẩn nguy. Ngoài ra, các chủ tàu cũng phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính mẫn cán, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của sỹ quan, thuyền viên, đặc biệt kỹ năng ứng phó sự cố và xử lý các tình huống khẩn nguy; không chở hàng quá tải và các loại hàng không được phép vận chuyển, đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn khi chở các loại hàng có đặc tính nguy hiểm; bố trí kênh liên lạc 24/24 giờ với tàu trong quá trình hoạt động…

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến hết quý I/2017, đội tàu biển Việt Nam gồm 1.372 tàu với tổng trọng tải là 7,48 triệu tấn, tổng dung tích là 4,67 triệu GT. Đa số là tàu chở hàng tổng hợp cỡ nhỏ dưới 5.000 tấn trọng tải, trạng thái kỹ thuật hạn chế, số lượng tàu chuyên dùng chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, container, dịch vụ dầu khí… không nhiều. Số lượng phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB hiện đang hoạt động là 1.276 phương tiện, trong đó có 496 phương tiện chở hàng tổng hợp, 29 phương tiện chở container, 106 phương tiện chở dầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn