MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, phần lớn trạm sạc xe điện ở Việt Nam là do VinFast xây dựng, với mật độ lớn nhằm phục vụ cho khách hàng của mình. Ảnh: ANH VŨ

Cần chính sách hỗ trợ cho trạm sạc xe điện

Anh Vũ LDO | 26/01/2024 09:44

Ngày càng nhiều người dân, hộ gia đình tại Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng xe điện thay vì xe chạy xăng, dầu truyền thống vì những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ chỉ phát huy được tối đa giá trị khi có một chính sách phát triển đồng bộ, đặc biệt về hệ thống trạm sạc.

Giải bài toán hạ tầng trạm sạc cho xe điện

Anh Đông Hưng - 31 tuổi, một người đang sử dụng xe điện tại Hà Nội - cho biết, xe điện đi trong khu vực thành phố tiện lợi hơn xe chạy xăng rất nhiều. Thế nhưng, mặc dù hệ thống trạm sạc đã khá dày và sạc thuận tiện, nhưng anh Hưng vẫn băn khoăn, nếu số lượng xe điện tăng lên nhanh chóng thì hệ thống trạm sạc hiện chỉ được triển khai bằng nguồn lực của doanh nghiệp liệu có đáp ứng được?

Giống như anh Hưng, ông Hoàng Hà - giảng viên tại một trường đại học tại Hà Nội - cũng yêu thích sự tiện lợi của chiếc xe điện ông đang sử dụng. Ông Hà chọn sử dụng bộ sạc điện cá nhân tại nhà để không cần xếp hàng hay tìm trạm sạc. Ông Hà nói, thời gian sạc bằng bộ sạc cá nhân lâu hơn nên ông chỉ cần thay đổi chút thói quen sắp xếp kế hoạch, sạc ban đêm hoặc ngày nào không có nhu cầu dùng đến xe.

“Bộ sạc cá nhân tiện lợi vì chủ động được nhưng có thời gian sạc lâu. Khi phải di chuyển đường dài, tôi vẫn phải tìm kiếm các trạm sạc” - ông Hà cho biết.

Rõ ràng, để tận dụng tốt sự tiện lợi của xe điện, cần có một hệ thống trạm sạc hoàn thiện và luôn sẵn sàng cho người dân sử dụng.

Hiện nay, phần lớn trạm sạc xe điện ở Việt Nam là do VinFast xây dựng, với mật độ lớn nhằm phục vụ cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khách hàng của VinFast là có thể sử dụng hệ thống trạm sạc này. Ở Việt Nam cũng có những nhà cung cấp trạm sạc khác ngoài VinFast như EVONE với hơn 100 trạm sạc trên toàn quốc hay các trạm sạc của EVN. Các trạm sạc này vẫn còn ít và cũng không mấy ai sử dụng vì chủ yếu mang tính thử nghiệm.

Nhu cầu trạm sạc xe điện không chỉ đến từ nhóm khách hàng sử dụng ôtô điện. Các loại xe máy điện đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ lâu với số lượng xe không hề nhỏ. Bên cạnh xe của VinFast, có thể được sạc ở các trạm của hãng, những hãng xe khác như Selex vẫn đang sử dụng quy trình đổi pin cho xe.

Nếu không tính các trạm chỉ phục vụ cho xe của VinFast, hệ thống trạm sạc xe điện của Việt Nam vẫn còn khá "mỏng", trong khi nhu cầu sử dụng loại xe này ngày càng tăng cao.

Cần quy chế, chính sách phù hợp

Có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển trạm sạc còn hạn chế tại Việt Nam như các hãng phải tự bỏ tiền xây dựng với chi phí đắt đỏ, dẫn tới thời gian hòa vốn rất lâu hoặc chưa được hỗ trợ hợp lý để xây dựng các trạm sạc.

Ở Việt Nam, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện với 3 phương án về giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện, bao gồm: Xây dựng biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện, áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh và áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá sản xuất.

Bộ đã đề xuất tính giá điện cho các trạm sạc theo giá kinh doanh, trong khi nhiều chuyên gia khuyến nghị cần áp dụng giá điện ưu đãi tại trạm sạc, do những lợi ích thiết thực và bền vững mà xe điện mang lại. Điều này cụ thể hóa Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Theo đó, lộ trình đến năm 2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô, môtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Anh Đông Hưng cho biết, hiện nay mức giá sạc xe trung bình ở trạm của VinFast là khoảng 3.000 đồng/kWh, tương đương với giá điện sinh hoạt mức 5. Nếu được áp mức giá tương đương dành cho điện sản xuất, chi phí sạc xe sẽ giảm đi nhiều, có thể là yếu tố kích cầu, gia tăng lượng người sử dụng xe điện trong tương lai.

"Giá điện là một yếu tố quan trọng trong quá trình vận hành dịch vụ sạc điện hoặc đổi pin. Về phía doanh nghiệp, họ luôn mong muốn giảm thiểu chi phí này. Việc giảm giá điện cũng phù hợp với xu thế chung hiện tại khi đây là một trong những công cụ để thúc đẩy, khuyến khích xe điện" - ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - CEO của Công ty Selex Motors - cho biết.

Ông Nguyên cũng nhấn mạnh rằng, xe điện hiện giờ chưa phải là yếu tố kinh doanh có lãi, phải có những sự hỗ trợ hợp lý để "nuôi" thị trường này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn