MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần nguồn điện sạch cho xe xanh

Anh Tuấn LDO | 30/03/2023 10:00

Xe điện được xem là xu hướng tất yếu của phương tiện đi lại trong tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng xe điện bằng nguồn điện từ năng lượng hoá thạch liệu có thực sự khiến xe điện "xanh, sạch, thân thiện với môi trường"?

Bức tranh sáng màu cho giao thông xanh

Sự phát triển bùng nổ của xe điện trong thời gian vừa qua được coi là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia gia cho rằng, việc sử dụng xe điện bằng nguồn năng lượng hoá thạch liệu có thực sự khiến xe điện "xanh, sạch, thân thiện với môi trường".

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với việc sử dụng, một thực tế là phần lớn điện trong lưới điện các quốc gia được sản xuất bằng các nguồn chưa thân thiện môi trường. Với những nước đang phát triển, thủy điện và nhiệt điện than chiếm tỉ trọng lớn trong hạ tầng sản xuất điện và đương nhiên đây lại là hai loại hình kém sạch nhất. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có một cuộc chuyển đổi về nguồn năng lượng đầu vào cho xe điện để xe điện thực sự "xanh, sạch".

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công Thương), theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030 vẫn còn khoảng 30% sản lượng điện từ nhiệt điện than; phải đến năm 2050 thì nhiệt điện than mới giảm mạnh trong hệ thống điện của Việt Nam.

Nếu xe điện mà chờ đến năm 2050 mới sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng sạch thì rất lâu. Do đó, cần có lộ trình chuyển đổi nhanh, theo từng vùng, từng khu vực. Đơn cử, có thể phát triển hệ thống trạm sạc, thị trường xe điện ngay tại những nơi sản xuất năng lượng sạch.

TS Ngô Đức Lâm tin rằng, trong vòng 5-10 năm tới hệ thống điện Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời). Ông lý giải, trước đây, hệ thống điện ưu tiên sử dụng nhiệt điện than là bởi nhiệt điện than có giá rẻ. Theo đó, một kWh điện hoá thạch chỉ khoảng 7 cent (1.620 đồng), còn những loại năng lượng tái tạo như gió, mặt trời thì giá dao động từ 9-10 cent (2.083 - 2.314 đồng/kWh).

Song, mọi thứ đã thay đổi khi Việt Nam phải nhập than với giá cao (do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga - Ukraina) cho nên việc vận chuyển nguyên nhiên liệu rất khó khăn, giá tăng gấp 3-4 lần so với trước năm 2020, ngành điện lỗ nặng.

Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hệ thống lưu trữ thì giá điện năng lượng tái tạo sẽ ngày càng rẻ. Do đó, chiến lược sử dụng nhiệt điện than trong hệ thống điện là không đúng hướng; phải tăng nguồn điện năng lượng tái tạo. Việc tăng năng lượng tái tạo cũng góp phần giúp xe điện sạch hơn khi sử dụng nguồn năng lượng đầu vào sạch, thân thiện với môi trường.

"Do Quy hoạch Điện VIII chưa được ban hành, nên hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng. Việc sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII sẽ đảm bảo nguồn lực đầu tư vào sản xuất điện phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời giúp phát triển giao thông xanh tại Việt Nam", TS Ngô Đức Lâm cho biết.

 Xe điện được xem là xu hướng tất yếu của phương tiện đi lại trong tương lai.                  Ảnh: VinFast

Nếu nguồn điện chưa sạch thì phát triển xe điện cũng không có nhiều ý nghĩa

Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo (Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ) cho biết, mang tiếng là xe điện, nhưng chưa "xanh, sạch, thân thiện với môi trường" thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Bởi hiện nay, các trạm sạc vẫn sử dụng điện từ lưới, trong khi tỉ lệ điện lưới hiện nay vẫn chủ yếu là năng lượng truyền thống, điện than vẫn rất lớn.

Dù vậy, bà Mai cho rằng, việc phát triển xe điện ở thời điểm này phần nào hạn chế được ôtô chạy dầu, gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, việc chuyển đổi xe điện sử dụng nguồn điện sạch cũng cần có thời gian để thực hiện.

Trưởng hợp phần Năng lượng tái tạo của GIZ cho biết, về dài hạn, để giao thông thực sự sạch, khi chạy xe điện, nhiều người sẽ lắp một dàn điện mặt trời nhỏ trên mái cơ quan, trên nhiều toà nhà văn phòng, dùng nguồn năng lượng đó để sạc cho xe điện. "Các nhà sản xuất ôtô cũng có thể nghiên cứu, kết hợp và tối ưu hoá nguồn năng lượng tái tạo bằng cách lắp dàn điện mặt trời ở trên toà nhà thương mại, công sở, điều này có ý nghĩa hơn nhiều", bà Mai nói.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn