MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Cảnh sát giao thông

Cảnh sát giao thông lý giải ngưỡng nồng độ cồn trong luật

Xuyên Đông LDO | 15/11/2023 06:41

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ngưỡng nồng độ cồn vi phạm. Trong khi đó, Nghị định 100 vẫn xử phạt trường hợp dưới ngưỡng. Vậy điều này có vênh trong luật hay không?

Nhiều người thắc mắc, khoản 8 Điều 8 của Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể là “Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt lại quy định phạt đối với người người lái xe thực hiện hành vi vi phạm “Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Vậy, Nghị định 100/2019/NĐ có trái với quy định của Luật không?

Lý giải điều này trên Cổng thông tin điện tử Cảnh sát giao thông, đơn vị cho rằng, về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Căn cứ vào các quy định nêu trên cho thấy, văn bản quy phạm pháp luật phải được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Về quy định xử phạt đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn Khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Ngày 14.6.2019, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Mặt khác, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác như sau:

“Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên cho thấy, quy định về hành vi nghiêm cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Theo đó, theo quy định hiện hành điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị luật nghiêm cấm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn