MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo truyền thống Tết đoan ngọ người dân sẽ ăn cơm rượu để diệt sâu bọ. Ảnh: Hải Anh

Chuyên gia phân tích ăn cơm rượu Tết đoan ngọ có dính nồng độ cồn

Xuyên Đông LDO | 10/06/2024 15:31

Theo truyền thống, dịp Tết Đoan ngọ, người dân thường ăn cơm rượu để diệt sâu bọ. Nhiều người băn khoăn, ăn cơm rượu liệu có dính nồng độ cồn?

Phân tích vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, nói chính xác hơn là ethanol - là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống bia rượu.

Việc này được thực hiện chủ yếu do hệ vi sinh đường ruột, với sự tham gia của nhiều loại vi sinh vật, thường có vai trò quan trọng của các loại nấm men.

Trong cơ thể người bình thường luôn có một lượng nhỏ cồn ethanol nội sinh được tạo ra do quá trình lên men tự nhiên, bởi vi sinh vật đường ruột và sự chuyển hóa pyruvate trong các mô. Con số này dao động giữa các cá thể nhưng mức trung bình là khoảng 3g ethanol được sản sinh ra mỗi ngày.

Ethanol được phân hủy trong gan nhờ các enzyme alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase. Khả năng gan mỗi người làm việc khác nhau nhưng trung bình gan người phân hủy được 6 đến 8g ethanol mỗi giờ. Nhờ vậy lượng ethanol nội sinh trong máu thường rất thấp, không đủ gây ra nhiễm độc cơ thể.

Về vấn đề ăn cơm rượu có nồng độ cồn, chuyên gia y tế này phân tích, cơm rượu chứa ethanol do quá trình lên men tự nhiên. Do đó, khi ăn cơm rượu người dân sẽ nạp lượng cồn nhất định và có thể sinh ra lượng nồng độ cồn.

“Sau khi ăn cơm rượu, người dân nên nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng để cơ thể chuyển hóa hết nồng độ cồn. Sau đó, người dân mới tham gia giao thông để tránh tai nạn cũng như tránh bị phạt”, chuyên gia y tế phân tích.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay vẫn được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .

Cụ thể, đối với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn