MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên giảm phí trước bạ với ôtô nhập khẩu?

Anh Tuấn LDO | 01/04/2023 13:30

Các chuyên gia cho rằng, kiến nghị giảm 50% phí trước bạ dành cho ôtô nhập khẩu chỉ có lợi cho những doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu ôtô, thực tế không có lợi cho nhóm cộng đồng hưởng thụ.

Các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ với mong muốn được hỗ trợ tương tự như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đại diện VIVA, lượng xe bán ra ký kết giảm kể từ 11.2022 nhưng lượng ôtô nhập khẩu được đưa về liên tục tăng. Giai đoạn 10-12.2022, lượng ôtô nhập khẩu tăng 3 lần so với cùng kỳ 2021, vượt 77.000 chiếc. Tháng 1.2023, lượng xe cập cảng cũng ghi nhận tăng 3 lần so với 1.2021, lên tới 12.842 chiếc.

Các thành viên VIVA cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường. Do đó, VIVA ủng hộ đề xuất giảm 50% thuế trước bạ chỉ khi áp dụng cho tất các các ô tô mới được lắp ráp trong nước CKD cũng như nhập khẩu nguyên chiếc CBU.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng, kiến nghị giảm 50% phí trước bạ dành cho ôtô nhập khẩu chỉ có lợi cho những doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu ôtô, thực tế không có lợi cho nhóm cộng đồng hưởng thụ.

Nếu đồng ý giảm phí trước bạ cho ôtô nhập sẽ tạo ra sự bất công khi mà ngành công nghiệp ôtô nội địa vẫn đang phát triển trong giai đoạn rất mới và cần có sự hỗ trợ tốt hơn.

Ôtô nhập khẩu tăng mạnh qua những năm gần đây. Ảnh: Hải quan 

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Phụng -  nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, thời điểm này nên giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước, thay vì ôtô nhập khẩu.

Ông cho hay, trong khi nguồn lực có hạn, chúng ta dành sự ưu tiên cho các hãng xe quốc tế có cơ sở sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Bởi các cơ sở này đóng góp trực tiếp, có liên quan trực tiếp với người dân Việt Nam.

"Việc chúng ta giảm 50% lệ phí trước bạ hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì đây là nguồn tài trợ của chúng ta dành cho người dân của chúng ta. Luật do Quốc hội ban hành, nhưng mức giảm thì do UBND hoặc do Bộ Tài chính quy định. Các tỉnh được quyền giảm 50% theo mức khung đã quy định. Chúng ta hoàn toàn đúng quy định công ước quốc tế", ông Phụng khẳng định.

"Việc tiếp tục áp dụng chính sách như những năm trước có tác động kích cầu tiêu dùng và sẽ tăng được số thu ngân sách nhà nước về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng từ công nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như tăng số thu thuế từ các hoạt động dịch vụ kéo theo việc tăng tiêu dùng", ông nói.

Hai lần giảm 50% phí trước bạ, doanh số ôtô tăng trưởng ngoạn mục

Hồi năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Trong lần thực hiện đầu tiên, chính sách nói trên được triển khai từ ngày 29.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020. 

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31.12.2020 đã giúp cho lượng xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12.2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương 11.200 tỉ đồng.

Bước sang tháng 1.2021, thời điểm chính sách giảm 50% phí trước bạ theo nội dung Nghị định 70 hết hiệu lực, doanh số thị trường ôtô Việt Nam lại sụt giảm đáng kể.

Từ tổng lượng tiêu thụ 47.865 ôtô các loại trong tháng 12.2020, doanh số toàn thị trường khi ấy giảm xuống chỉ còn 26.432 xe, tương đương mức sụt giảm 44,8%.

Trong đó, doanh số ôtô nội địa chỉ là 14.512 xe (giảm 50,6%), còn ôtô nhập khẩu cũng chỉ đạt doanh số 11.920 xe (giảm 35.5%).

Đến cuối năm 2021, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã quay trở lại theo nội dung Nghị định 103.

Theo các chuyên gia, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe, nhưng giúp giá lăn bánh giảm xuống và kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm.

Theo số liệu từ VAMA, tháng 12.2021 (khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực), có gần 60.000 xe đã được bán ra ở thị trường trong nước. Sang đến tháng 1.2022, cũng đã có hơn 40.200 xe được bán ra, trong đó các dòng xe lắp ráp trong nước ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chính sách này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn