MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giấy phép lái xe. Ảnh: Cao Nguyên

Có phiếu hẹn giấy phép lái xe vẫn có thể bị phạt

Xuyên Đông LDO | 10/09/2023 11:07

Nhiều người thi đỗ giấy phép lái xe, đã có phiếu hẹn nhưng chưa lấy bằng. Vậy đối tượng này có thể tham gia giao thông hay không?

Luật sư Nguyễn Thu Trang - Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long - cho biết, khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển phương tiện giao thông cần mang theo các loại giấy tờ sau:

Giấy đăng ký xe;

Giấy phép lái xe;

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với một số loại xe nhất định;

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe cơ giới.

Như vậy, giấy phép lái xe là một loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo.

Về phiếu hẹn giấy phép lái xe, nếu chú ý người dân có thể thấy phần ghi chú của loại giấy tờ này ghi rõ: Giấy hẹn này không có giá trị thay thế giấy phép lái xe.

Do đó, nếu chỉ xuất trình được giấy hẹn mà không có giấy phép lái xe, người lái xe có thể bị xử lý hành chính với hành vi không có giấy phép lái xe.

Các trường hợp lái xe sử dụng giấy hẹn lấy bằng lái xe có thể bị coi là không có giấy phép lái xe và bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7, điểm b khoản 8 điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo đó, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nếu không có đủ giấy tờ, bằng lái sẽ phải chịu các mức phạt hành chính tùy thuộc vào các loại phương tiện giao thông cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với người điều khiển môtô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175m3 và các loại xe tương tự xe môtô không có giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175m3 trở lên, xe mô tô ba bánh không có giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô hoặc các loại xe tương tự xe ôtô không có giấy phép lái xe.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, để ngăn chặn vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Do vậy, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, các chủ xe hoàn toàn có thể bị tạm giữ phương tiện giao thông của mình nếu không có giấy phép lái xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn