MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân bức xúc yêu cầu đóng cửa nhà máy sau nhiều lần chính quyền hẹn hứa di dời.Ảnh: N.T

Tạm dừng hoạt động gây ô nhiễm của hai nhà máy

THUỲ TRANG - NGUYỄN TRI LDO | 02/03/2018 09:46
Chưa đưa ra câu trả lời bao giờ người dân được di dời khỏi khu vực ô nhiễm hay chuyển nhà máy đi trước, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục “ghi nhận ý kiến” và hẹn trả lời vào ngày 5.3.2018. Tuy nhiên, trước sự bức xúc của người dân, ngày 1.3, Đà Nẵng có văn bản buộc hai nhà máy Dana – Ý và Dana – Úc dừng hoạt động một phần.

Dân yêu cầu đóng cửa

Sau nhiều lần hẹn, chiều 28.2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1 và 2, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng - nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ Công ty CP Dana - Ý và Công ty CP Dana - Úc. Tuy nhiên buổi làm việc không có được sự đồng thuận từ các bên. Trong khi chính quyền lại tiếp tục hẹn thì người dân yêu cầu đóng cửa nhà máy cho đến khi có câu trả lời dứt khoát.

Trước đó trong nhiều ngày qua, người dân hai thôn đã bỏ công việc đến vây quanh các nhà máy, yêu cầu chính quyền thành phố phải có câu trả lời cụ thể. Có ý kiến tại buổi làm việc, ông Trương Văn Lung (người dân thôn Vân Dương 2) chỉ ngay trước ngôi nhà mình là “núi” xỉ. Ông Lung nhắc lại, cuối năm 2016 khi xảy ra những vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy thép, bà con hai thôn Vân Dương 1 và 2 đã có ý kiến rất nhiều. Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, trao đổi. Sau một số cuộc đối thoại, giữa thành phố cùng bà con và hai nhà máy thống nhất phương án sẽ di dời nhà máy có lộ trình, trước đó sẽ di dời dân.

“Vậy nhưng kết quả là hơn một năm qua, lời hứa vẫn là hứa, kế hoạch vẫn nằm trên giấy, trong ý tưởng. Chúng tôi đã chịu 11 năm rồi. Mặc dù ban đầu nguyện vọng của dân là di dời nhà máy, bởi còn nhà máy thì vẫn còn ô nhiễm nhưng sau đó người dân sẵn sàng thuận theo mọi quyết định của thành phố.

Bên cạnh đó, tháng 3.2017, thành phố có cho người dân đi khám sức khoẻ nhưng chẳng có kết quả gì về việc môi trường này có tác động đến chúng tôi hay không. Trong khi ngày càng nhiều người mắc bệnh ung thư, qua đời vì bệnh tật” - ông Lung phát biểu.

Tiếp lời, ông Nguyễn Bô (80 tuổi, một người dân khác) lên tiếng: “Sau quyết định di dời, các đơn vị đến kiểm định, quy hoạch nhà cửa, ruộng vườn của người dân xong lại im ắng. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi thì lại được hẹn hết quý I đến quý II, hẹn đợi chỉ đạo của thành phố để huyện làm ngay. Chúng tôi cũng chờ. Nhưng đến cuối 2017 rồi qua 2 tháng đầu năm 2018 cũng không thấy đâu. Chúng tôi không phủ nhận nhà máy đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân nhưng chúng tôi không thể đánh đổi bằng tương lai. Việc các con em trong hai thôn đồng loạt nghỉ việc khiến chúng tôi nghĩ đến lúc cần câu trả lời chính xác, dân đi thì đi thế nào? Nhà máy ở lại thì 
ra sao?”.

Ông Phạm Mai (tổ 5, Vân Dương 2) cũng đặt vấn đề: “Chúng tôi có thể đợi một năm, hai năm hay nhiều năm nữa. Nhưng với điều kiện, khi dân đi thì nhà máy mới được hoạt động”.

Tạm dừng hoạt động trực tiếp gây ô nhiễm

Tham dự buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana-Ý - cũng có ý kiến, phía nhà máy hoàn toàn đồng thuận theo quyết định của lãnh đạo thành phố và sẽ hợp tác trong việc di dời dân cư và di dời nhà máy. Tuy nhiên về vấn đề ô nhiễm, ông Tân cho rằng thời gian qua nhà máy cũng đã dừng sản xuất để tránh khói bụi, nước thải cũng đã cải thiện. Áp lực từ chính quyền địa phương cũng khiến nhà máy phải dè chừng khi sản xuất để hạn chế ô nhiễm cho người dân. Riêng về vấn đề tại sao thời gian giải toả đền bù kéo dài, ông Tân có ý kiến rằng có thể quy trình thủ tục chưa hoàn thành. Còn về việc nếu nhà máy đóng cửa như người dân yêu cầu thì lại không có tiền để giải toả dân cư. “Hơn 60% công nhân tại nhà máy là con em ở địa phương nay đã nghỉ việc. Vậy nếu bà con đã kiên quyết thì chúng tôi đành chịu, doanh nghiệp cũng không biết phải làm thế nào” - ông Tân cho hay.

Trong khi người dân bức xúc, doanh nghiệp “bó tay”, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục hẹn. “ Chúng tôi hôm nay tiếp tục ghi nhận ý kiến, sáng thứ hai tuần tới (5.3) sẽ có buổi báo cáo với bà con” - ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng - phát biểu.

Ngày 1.3, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana - Ý và Công ty Cổ phần thép Dana - Úc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường trong khi đợi báo cáo Thường trực Thành uỷ. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động nêu trên.

Các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn