MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường Việt Nam có nhiều điểm sáng, phát triển theo đúng chiến lược Chính phủ và theo kịp xu hướng thế giới. Ảnh: Anh Tú

Điểm sáng và tiềm năng phát triển của thị trường ôtô Việt năm 2024

LÂM ANH LDO | 11/02/2024 06:00

Dù doanh số bán hàng của ngành ôtô sụt giảm mạnh trong năm 2023, song thực tế thị trường ôtô Việt vẫn có nhiều điểm sáng, phát triển theo đúng chiến lược Chính phủ và theo kịp xu hướng thế giới. Nhìn vào tổng thể, thị trường ôtô Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất và kinh doanh.

Thị trường ôtô Việt Nam nói riêng và toàn cầu vừa trải qua năm 2023 đầy khó khăn, thử thách. Kinh tế suy thoái khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm ôtô theo đó cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, thị trường ôtô điện vẫn khá sôi động, thậm chí năm vừa qua chứng kiến cuộc đua điện khí hóa giữa các nhà sản xuất, phân phối ôtô diễn ra rầm rộ tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Bước sang năm 2024, xu hướng chuyển đổi sang ôtô điện được dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Xu hướng điện hóa cũng đã nổi lên tại Việt Nam như một hướng phát triển mới đầy tiềm năng, bất chấp toàn ngành ôtô vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách. Từ mẫu xe đầu tiên là VF e34, ra mắt tháng 10.2021, đến nay, hãng xe điện Việt Nam đã sở hữu các mẫu xe điện trải dài từ phân khúc hạng A đến hạng E, bao gồm: VF 3, VF e34, VF 8, VF 9, VF 5 Plus, VF 6 và VF 7.

Bên cạnh đó, hàng loạt thương hiệu xe hơi đến từ Trung Quốc bắt đầu du nhập thị trường Việt, bao gồm Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery), Haval, Haima, QingLing Taga, Lynk & Co... Trong đó, nhiều mẫu xe xanh bao gồm hybrid và xe điện thuộc phân khúc xe gầm cao được bổ sung vào dải sản phẩm cho khách hàng lựa chọn, sẵn sàng đón đầu xu thế điện khí hóa tại Việt Nam.

Xu hướng điện hóa là một hướng phát triển mới đầy tiềm năng của ngành ôtô Việt Nam. Ảnh: TC Motor

Dù doanh số năm 2023 giảm nhưng thực tế những năm gần đây, ôtô đã ngày càng trở thành một sản phẩm gần gũi hơn với người tiêu dùng Việt nhờ có thêm nhiều lựa chọn về dòng xe, thương hiệu và với áp lực cạnh tranh cao, giá cả xe ôtô ngày càng "mềm". Trong đó, các mẫu xe đô thị cỡ nhỏ thuộc dòng sedan và crossover/SUV ngày càng được ưa chuộng nhờ giá bán hợp lý, thiết kế nhỏ gọn, hiện đại, trẻ trung, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Điều này phù hợp với định hướng của Chính phủ tại Quyết định 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi, Chính phủ ưu tiên các dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhu cầu sở hữu, dư địa tăng trưởng thị trường ôtô còn rất lớn, nhưng điều kiện để phát triển vẫn còn nhiều vấn đề.

Thị trường ôtô năm 2024 sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, đó là yếu tố quan trọng nhất. Tiếp đến còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước với các ngành sản xuất, thị trường ôtô. Chẳng hạn có tiếp tục giảm lệ phí trước bạ để kích cầu nữa không hay hệ thống cơ sở hạ tầng được phát triển mạnh mẽ ở mức độ nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn