MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Rinh trả lời Báo Lao Động. Ảnh: Q.H

“Phải thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng”

XUÂN HẢI (thưc hiện) LDO | 16/01/2017 09:28
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã nói như vậy với Lao Động về việc làm thế nào để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ông Rinh cho biết:

- Tôi cho rằng nếu không kịp thời ngăn chặn lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo vun vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể của người cán bộ đảng viên sẽ dần dẫn đến tham nhũng, rồi tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi và Bác rất nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với những trường hợp tham nhũng. Ngày ấy Bác Hồ cũng đã kiên quyết chống tham nhũng, đề nghị điều tra làm rõ và xử lý nghiêm đối với nguyên đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu - về tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Và sau đó Trần Dụ Châu đã bị tử tình về tội danh trên. Về việc này, Bác Hồ từng nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Từ bài học trên, tôi cho rằng để kịp thời ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, cái chính vẫn là phụ thuộc vào người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo mà nghiêm túc, gương mẫu thì mới làm gương cho toàn cơ quan, đơn vị học tập và cán bộ cấp dưới không dám vi phạm, không sống ích kỷ, vụ lợi mà sẽ sống vì tập thể, vì công việc chung.

Tôi ví dụ, nếu trong cơ quan lãnh đạo mà suốt ngày uống rượu say thì cán bộ đảng viên cũng sẽ uống theo và người lãnh đạo sẽ rất khó nói. Do vậy, người lãnh đạo sẽ luôn phải giữ cho mình là tấm gương của toàn cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, ở không ít cơ quan đơn vị, do người lãnh đạo cả nể, không kịp thời xử lý nghiêm các trước hợp cấp dưới vi phạm nên dẫn đến việc, như người ta thường nói, đó là “nhờn thuốc”. Do vậy, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị.

Tức là nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì sẽ kỷ luật ngay, thưa ông?

- Phải tùy thuộc vào từng mức độ vi phạm của cán bộ đảng viên để xử lý theo quy định, chứ nếu anh nghiêm khắc quá cũng không được. Quan trọng là cùng nhau nhắc nhở, phê bình để giúp người cán bộ đảng viên nhận ra cái sai để sửa chữa. Nếu không sửa chữa thì phải kỷ luật nghiêm như hình thức cách chức, buộc thôi việc. Tức là phải có biện pháp tích cực thì mới làm được, chứ nói rồi để đấy, nói mà không làm thì không có ý nghĩa gì. Tôi nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cái chính vẫn là phải nghiêm khắc trong vấn đề kỷ luật của Đảng.

Một biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên có chức, quyền cũng được Nghị quyết nêu rất rõ, đó là việc “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực”, vậy theo ông, cần giám sát việc kê khai này như thế nào cho đúng?

- Theo tôi, việc tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống thường rơi vào những đối tượng là cán bộ đảng viên có chức, có quyền, vì thế để Đảng nắm được công tác cán bộ thì anh phải nắm được cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, kinh tế, tài sản. Trước tiên, tôi muốn nói đến việc cán bộ đảng viên có chức, có quyền phải thực hiện đúng luật pháp về phòng chống tham nhũng, quy định về kê khai tài sản. Để kiểm soát tốt tài sản của người cán bộ đảng viên có chức, có quyền, tôi cho rằng việc kê khai tài sản không chỉ dừng ở cá nhân người lãnh đạo, mà phải kê khai cả tài sản của cả vợ và con của họ. Để ngăn chặn việc cán bộ đảng viên có chức, có quyền chuyển hết tài sản cho vợ và con họ thì sao. Khi cán bộ có chức quyền kê khai tài sản thì cơ quan, đơn vị phải cử người đi kiểm tra, chi bộ cơ quan đơn vị cùng vào cuộc kiểm tra, giám sát và phải có xác nhận của địa phương xem kê khai của anh có trung thực không. Có như vậy mới kiểm soát được cán bộ và kịp thời ngăn chặn được sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong nội bộ.

Như ông vừa nói đến vai trò giám sát, đấu tranh của chi bộ Đảng trong cơ quan, đơn vị. Có ý kiến cho rằng vấn đề phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt chi bộ hiện nay quá mờ nhạt, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng chất lượng sinh hoạt chi bộ trong cơ quan hiện nay còn thấp, việc đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao. Tất cả các vụ án tham nhũng thì chi bộ Đảng rất ít phát hiện ra, chủ yếu là do nhân dân và báo chí phát hiện. Do vậy cần phải chấn chỉnh lại việc sinh hoạt chi bộ, phải phát huy tính dân chủ trong phê bình và tự phê bình, không được trù dập đảng viên, phải phát huy vai trò đấu tranh của chi bộ. Người đảng viên phải gương mẫu và luôn thực hiện lời thề của mình tại lễ kết nạp đảng viên.

Tức là đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, còn nếu đảng viên mà sai phạm và sai lệch quan điểm của Đảng thì phải xử lý nghiêm và thậm trí phải khai trừ ngay những trường hợp đảng viên không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chúng ta thà mất một đảng viên để thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng. Đó là việc nên làm.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn