MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội vào mùa mưa ngập, lái ôtô thế nào để tránh rủi ro

Anh Tuấn LDO | 26/04/2021 15:30

Trong đô thị, các con đường ngập nước là mối nguy hiểm tiềm tàng với xe hơi. Nước mưa lọt vào khoang máy có thể dẫn tới hiện tượng thủy kích kéo theo đó là hóa đơn sửa chữa lên đến hàng trăm triệu đồng.

Những ngày vừa qua, ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường xuyên xảy ra mưa lớn, khiến nhiều khu vực bị ngập cục bộ. Với những ôtô gầm cao, những khu vực ngập nông không phải vấn đề quá lớn, tuy nhiên, với những xe sedan, gầm thấp, thì mỗi lần đi qua khu vực ngập đều là "nỗi ám ảnh" với tài xế.

Để có thể di chuyển qua các khu vực ngập nước một cách an toàn, các lái xe có thể tham khảo những lưu ý sau:

Đều ga ở số 1 khi di chuyển trong vùng ngập

Khi lái xe đi qua khu vực ngập, nên giữ đều ga và chọn số thấp. Nếu là số sàn, bạn nên đi số 1 - 2. Còn đối với xe số tự động, hoặc bán tự động thì nên chuyển về số D1 hoặc chuyển về chế độ số tay, rồi đi ở số 1 - 2.

Giữ đều chân ga ở tốc độ 10 - 15km/h, không tăng tốc hay giảm tốc đột ngột để tránh nước tràn vào khoang động cơ từ phía trước và cả ống xả phía sau.

Không nhấn ga phóng qua đường ngập, bởi nguy cơ nước có thể bị áp lực đẩy tràn lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích. Đặc biệt, tuyệt đối không dừng lại giữa vùng ngập nước.

Tránh nước tràn lên nắp ca-pô

Lái xe trên đường ngập cần tránh đi gần các xe có trọng tải lớn vì các xe này thường tạo ra những đợt sóng lớn cho các xe đi ở hướng ngược lại.

Điều này cũng vô tình gây ra hiện tượng thủy kích. Hầu hết các thiết bị máy móc của ôtô nằm dưới ca-pô nên khi nước tràn vào sẽ dễ gây ra hiện tượng chập cháy.

Thủy kích – tuyệt đối không được khởi động lại động cơ nếu xe chết máy

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ.

Do đặc tính không chịu nén của nước nên áp suất gây ra sẽ dẫn đến: Nhẹ thì bị cong tay biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy, hư hỏng toàn bộ phần máy.

Khi động cơ tắt máy, chủ xe nên bình tĩnh và để giảm thiểu hư hỏng cho xe, chủ xe tuyệt đối không thử đề máy trở lại. Ảnh: Bắc Dương

Từ từ thoát khỏi vùng nước sâu

Từ từ tăng ga khi thoát khỏi mực nước sâu, tránh những xe đi ngược chiều. Xe đi ngược chiều có thể khiến nước tạo sóng, hắt lên nắp capo gây nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ. Khi chiếc xe gần thoát khỏi khu vực nước sâu, bạn có thể tăng tốc độ một cách cẩn thận.

Gọi cứu hộ khi động cơ tắt

Trong nhiều trường hợp, dù bạn đã đi rất đúng kỹ thuật nhưng những sự cố bất ngờ khiến bạn phải dừng xe khi đang lội nước, hoặc bạn vô tình đuối ga, hay quá ga, chập điện... khiến nước vào động cơ và xe chết máy. Khi xe chết máy, tuyệt đối không khởi động lại.

Nếu bạn đề nổ lại xe, nước sẽ tràn mạnh vào động cơ và bị nén, gây hiện tượng thủy kích, khiến cong tay biên, gãy tay biên hay vỡ lốc máy. Ảnh: Bắc Dương

Bình tĩnh, rút chìa khóa, cố gắng đẩy xe ra khỏi vùng ngập nước, hoặc gọi cứu hộ khẩn cấp để kéo xe về an toàn. Tài xế nên lưu sẵn số cứu hộ trong điện thoại của mình để lúc cần có thể gọi ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn