MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn xe máy nằm "đắp chiếu" tại các bãi xe giữ xe vi phạm ở TPHCM. Ảnh Anh Tú

Hàng vạn xe máy vi phạm vô chủ sắp được “giải phóng”

MINH QUÂN LDO | 11/03/2020 17:28

Từ ngày 1.5, những phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận thì cảnh sát có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ.

Nghị định 31/2020 (Nghị định 31) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5 tới đây.

Một trong những nội dung gây chú ý của Nghị định 31 là việc rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm giao thông bị bỏ lại, từ 1 năm xuống còn 1 tháng.

Cụ thể, trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.

Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được rút ngắn từ ít nhất 2 lần như quy định hiện hành, còn một lần theo quy định mới. Hết thời hạn 30 ngày nhưng người vi phạm không đến nhận thì cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm, bán đấu giá để sung công quỹ.

Tại TPHCM, tính từ tháng 7.2013 - 9.2019 có hơn 169.000 xe vi phạm bị tạm giữ tại 5 kho bãi. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải.

Hơn nữa, việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong khi, hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tạm giữ, bảo quản.

Theo đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TPHCM, có nhiều nguyên nhân người vi phạm chọn cách không nộp phạt để nhận lại phương tiện như mức phạt do lỗi vi phạm cao, thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với giá trị phương tiện, do người vi phạm ở xa...

“Sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận, một năm sau mới làm thủ tục thanh lý. Tiếp đó, lực lượng công an địa phương phải hoàn thiện thủ tục xác minh, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh (TP) để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Trung bình quy trình thực hiện tính từ lúc xác định vô chủ đến hoàn tất công tác thanh lý tài sản phải mất từ 1 - 2 năm. Trong thời gian đó rất nhiều xe đã thành sắt vụn, rất khó giải quyết”, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TPHCM cho biết.

Cũng theo đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, với Nghị định 31 ra đời, rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm giao thông bị bỏ lại, từ 1 năm xuống còn 1 tháng sẽ giúp nhanh chóng giải phóng hàng trăm nghìn xe đang tồn trong bãi. Về lâu dần sẽ xóa bỏ tình trạng công an địa phương phải thuê bãi, tốn chi phí trông xe vô thừa nhận như thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn