MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hết ưu đãi 50% phí trước bạ, ôtô trong nước có lép vế trước ôtô nhập khẩu?

Trang Mạc LDO | 27/11/2020 19:23

Khi ưu đãi trước bạ không còn được áp dụng năm 2021 thì khách hàng dường như lại hướng đến những chiếc xe nhập khẩu hiện đại, nhiều công nghệ thay vì ôtô lắp ráp trong nước.

Sản xuất ôtô lắp ráp hồi phục nhờ chính sách

Nhờ chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ và áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được vào tháng 7.2020 đã giúp các doanh nghiệp sản xuất ôtô lắp ráp dần hồi phục trước đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng từ tháng 7 đến tháng 10.2020 đạt 105.266 chiếc, cao hơn doanh số bán hàng cùng kỳ năm trước là 402 chiếc.

Trong đó, ôtô lắp ráp bán ra đạt 67.281 chiếc, vượt 9.876 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy sản xuất ôtô lắp ráp trong nước đã hồi phục nhanh chóng. Hàng tồn kho giảm mạnh, sản lượng ôtô sản xuất lắp ráp trong nước được dự báo sẽ tăng cao trong tháng 11 và 12.

Ôtô lắp ráp trong nước sẽ lép vế trước xe nhập khẩu nếu chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ không còn. Ảnh minh họa

Nhiều mẫu xe vì thế đã giảm bớt ưu đãi. Ví dụ, Toyota Vios giảm mức ưu đãi từ 25-35 triệu đồng xuống còn 15-20 triệu đồng; Toyota Innova giảm mức ưu đãi từ 75-100 triệu đồng xuống còn 30-40 triệu đồng kèm gói quà tặng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước được ưu đãi lớn. Chẳng hạn, mẫu Honda CR-V bản L được giảm 77-80 triệu đồng tiền mặt, tặng thêm gói phụ kiện từ 75-85 triệu đồng. Hoặc Hyundai Santa Fe bản 2.4 giảm 50 triệu đồng. VinFast Lux A 2.0 giảm 80 triệu đồng và Lux SA 2.0 giảm 120 triệu đồng,...

Xe sản xuất lắp ráp trong nước sắp mất ưu thế?

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của COVID-19. Đáng chú ý, trong báo cáo này, Bộ Tài chính đề xuất không kéo dài thời gian giảm phí trước bạ 50% với xe sản xuất trong nước sau 31.12.

Lý do cho việc này, Bộ Tài chính cho rằng, sau khi Nghị định 70 quy định về mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước giảm 50% từ 28.6 - 31.12 đã giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng.

"Đây là giải pháp ngắn hạn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất lắp ráp ôtô trong nước trước ảnh hưởng của đại dịch", Bộ Tài chính cho biết.

Khi chính sách này hết hiệu lực sẽ là thách thức lớn với xe nội địa. Hiện tỉ lệ nội địa hóa với ôtô trong nước chỉ vào khoảng 10-20%, chi phí sản xuất trong nước cao hơn Thái Lan và Indonesia 15-20%, làm giảm tính cạnh tranh của xe nội.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10.2020, ôtô nhập khẩu đạt 13.653 chiếc, tăng 7-8% so với tháng trước. Lượng xe nhập cũng ngang bằng với thời điểm trước dịch COVID-19.

Lượng xe nhập khẩu tăng mạnh, nhất là xe giá rẻ. Ảnh minh họa

Sang năm 2021, xe nội có thể sẽ gặp rất nhiều bất lợi khi các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh, trong khi xu hướng của thế giới lại là tăng thêm nhiều công nghệ mới và giảm giá bán để kích cầu.

Theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của xe nội địa yếu nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 dù thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Chính vì vậy, để duy trì doanh số bán hàng, giữ chân khách hàng, cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước cần có những chính sách ưu đãi khác, để tăng giá trị cho khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn