MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiệu quả các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý

MINH QUANG LDO | 27/10/2016 18:24
Là chủ đầu tư 6 tuyến đường cao tốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã góp phần mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và hoàn thành mục tiêu 2.000km đường cao tốc vào năm 2020.

Trong tổng số 750km đường cao tốc trên toàn quốc đã đưa vào khai thác, VEC đóng góp gần 50%. Tính đến nay, các tuyến đường cao tốc của VEC đã phục vụ khoảng 70 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt.

Nhìn lại hiệu quả của các tuyến đường cao tốc, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT đánh giá những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác như Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây… đã mang lại hiệu quả tích cực khi gia tăng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian, góp phần giảm chi phí. Hiện nay, chi phí logistic (hậu cần, kho vận…) của nước ta chiếm khoảng 20% GDP vì thế việc cước vận tải hạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài hiệu quả kinh tế-xã hội, ông Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSG cho rằng việc khai thác các tuyến cao tốc đã góp phần chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông trên đường cao tốc và từ đó xây dựng được văn hóa giao thông rõ nét hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đưa tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác đã tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, các địa phương lân cận và cả nước; giúp các tỉnh giao thương thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên QL1…

Dự án góp phần tăng cường năng lực vận tải hành lang phía Nam của tam giác phát triển kinh tế phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, tạo điều kiện liên kết với Khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, Khu danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), đồng thời tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương với nhiều đột phá.

Tương tự, với chiều dài 245km, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn, tạo đà dịch chuyển KTXH, đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng vượt bậc về vận tải hàng hóa và hành khách, nhất là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng 21% đối với vận tải hàng hóa và 15% đối với vận tải hành khách.

Sau khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động, hoạt động giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng như ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2015, du lịch Sa Pa đã tăng trưởng hơn 40% so với trước, lượng khách đến Sa Pa tăng gần 2 lần. Theo đó, không gian du lịch được mở rộng và chủ động hơn để đón khách. Hàng loạt những địa danh như Đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); Mù Cang Chải, lòng hồ Thác Bà (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Phan Xi Păng, đèo Ô Quy Hồ và Bắc Hà - Mường Khương - Xi Ma Cai cùng nền văn hoá đa dạng của các dân tộc bản địa được kết nối dễ dàng hơn với du khách khắp trong và ngoài nước.

Không chỉ mang lại hiệu quả một cách rõ rệt, cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn giảm bớt áp lực, góp phần giảm thiểu tắc nghẽn và TNGT trên các tuyến QL2, QL2B, QL32C, QL4E và QL70, đồng thời cho phép các phương tiện giảm một nửa thời gian lưu thông, từ đó giúp các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Còn với dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kể từ khi thông xe toàn tuyến tới nay đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. HCM, giảm ùn tắc, cho phép các phương tiện tiết giảm 20-30% chi phí nhiên liệu.

Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên đến nay, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ khoảng 23 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình đạt 28.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 40.000 - 50.000 lượt phương tiện.

Việc toàn tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng đã góp phần làm tăng doanh thu từ du lịch của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng…, đồng thời kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đoạn TPHCM - Biên Hòa trước đây.

Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, tỉ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước, quận 9, TPHCM đã kéo giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… và thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực quận 9, quận 2 (TPHCM), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai).

Các tuyến đường cao tốc được mở ra ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn, chứng tỏ đầu tư của VEC là đúng hướng và khẳng định vai trò nòng cốt, số 1 trong đầu tư, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của TCT.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn