MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ từ nay đến cuối năm mà trong năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định ở các trung tâm đăng kiểm. Ảnh minh họa: Khánh Linh.

Không chỉ gặp khó khi đăng kiểm, điều khiển xe ôtô độ có vi phạm pháp luật?

LÂM ANH LDO | 28/12/2022 10:00

Theo quy định, những trường hợp ôtô thay đổi hệ thống đèn chiếu sáng, gắn thêm cản trước, sau, giá nóc; thay đổi màu sơn, dán decal đổi màu sơn; thay đổi kết cấu thiết kế… sẽ bị từ chối đăng kiểm. Vậy người điều khiển các phương tiện này tham gia giao thông có vi phạm pháp luật không?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Ngô Việt Bắc - Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn luật sư TPHCM - thực hiện đúng thủ tục đăng kiểm ôtô theo định kỳ là quy định bắt buộc đối với các phương tiện (thuộc diện đăng kiểm), do cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khi xe tham gia lưu thông.

Tuy nhiên, trong các trường hợp chủ phương tiện tự ý thay đổi kết cấu cũng như thiết kế của xe như: Hệ thống đèn chiếu sáng; gắn thêm cản trước, cản sau hoặc giá nóc; đổi màu sơn hoặc dán decal, thay đổi kết cấu thiết kế; ôtô van lắp thêm ghế ngồi; không lắp thiết bị giám sát hành trình… tất cả các thay đổi này làm thay đổi kết cấu, thiết kế ban đầu của ôtô đều sẽ bị các cơ quan có chức năng từ chối đăng kiểm.

Khi ôtô chưa đạt yêu cầu đăng kiểm, chủ xe cần phải sửa chữa, cập nhật thay đổi hoặc khôi phục lại nguyên tình trạng ban đầu đến khi đạt thì mới được cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, căn cứ tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Do đó, việc tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe là vi phạm pháp luật, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, cụ thể tùy trường hợp.

"Đơn cử nếu chủ xe tự ý thay đổi màu sơn hoặc dán decal đổi màu sơn của xe theo ý thích mà chủ phương tiện không làm hồ sơ cập nhật thay đổi thì khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô", luật sư Bắc cho hay.

Vì vậy, khi có nhu cầu thay đổi màu sơn xe thì chủ xe cần tuân thủ đúng pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định “Các trường hợp phải đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe: Xe cải tạo, xe thay đổi màu sơn” và thực hiện đúng các thủ tục cũng như hoàn thiện hồ sơ về việc thay đổi màu sơn nộp tại Cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục cập nhật thay đổi theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn