MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khuyến khích xe đạp tại Hà Nội, tham vọng biến “gia vị” thành món chính?

Khánh Hoà LDO | 29/09/2016 14:41
Đưa ra nhiều ưu điểm của xe đạp, Uỷ ban ATGT quốc gia lên tiếng kêu gọi người dân dùng xe đạp và bớt phụ thuộc vào xe máy. Tuy nhiên, việc dần biến xe đạp – một thứ gia vị giao thông thành món chính liệu có khả thi?

Người Việt quá phụ thuộc vào xe máy!

Phát biểu tại hội thảo “Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội” ngày 28.9, Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT Khuất Việt Hùng cho rằng hiện người Việt quá phụ thuộc vào xe máy, đi chợ, đi ra ngoài 200m cũng đi xe máy  và thói quen này được cho là đang góp phần trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo ông Hùng, người tham gia giao thông nên cân nhắc sử dụng xe đạp bởi những tiện ích mà loại phương tiện này mang lại như gọn nhẹ, không gây ô nhiễm và xe đạp nếu được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường giao thông và nâng cao an toàn giao thông tại các thành phố lớn.

Tại Hà Nội hiện nay, những người đang sử dụng xe đạp chỉ để ăn chơi, sử dụng để đi thể thao, đi phượt, nhưng việc sử dụng xe đạp để đi làm và tham gia giao thông thường xuyên thì không có. Ông Hùng cho rằng, đối tượng nên sử dụng xe đạp là khách du lịch, công nhân, học sinh sinh viên. Do đó, lãnh đạo Uỷ ban ATGT đề xuất nên có giải pháp khuyến khích để xe đạp trở thành phương tiện đi làm của người dân, nhất là các tuyến đường có tốc độ tối đa 30km/h.

Đồng quan điểm TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT, ĐH GTVT, cho rằng xe đạp nói chung và xe đạp công cộng nói riêng là giải pháp cho các thành phố thông minh và là phương tiện kết nối quan trọng với các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị… TS. Huyền nhận định trong tương lai cần đẩy mạnh sử dụng xe đạp, đặc biệt là xe đạp công cộng. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng để có thể triển khai có hiệu quả tốt nhất thì cần có sự nghiên cứu và đầu tư đúng mức, triệt để.

Mới là gia vị, xe đạp khó thành món chính 

Cũng lên tiếng khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhưng ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, Việt Nam cho rằng cần phát triển hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho người đi xe đạp gồm làn đường riêng cho xe đạp, điểm dừng, trông giữ, bảo quản xe đạp bởi với hiện trạng hạ tầng giao thông của Hà Nội, khó có thể đẩy mạnh việc dùng xe đạp. Việc quy hoạch các khu chức năng trong đô thị hợp lý cũng rất cần thiết để người dân có thể thực hiện những chuyến đi ngắn trong phạm vi ngắn.

Đánh giá cao những ưu điểm của xe đạp nhưng ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng xe đạp chỉ là “gia vị” của món ăn giao thông công cộng, gia vị chỉ vừa phải thôi, chứ sử dụng nhiều là không hợp lí. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia độc lập về giao thông vận tải - cho rằng việc sử dụng xe đạp tham gia giao thông là khó khả thi. 

Theo ông Thủy, sớm nhất cũng phải tới năm 2025 - 2030 - khi hạ tầng giao thông công cộng đã hoàn thiện hơn, có tàu điện, xe buýt nhanh phát triển thì mới có thể tính tới việc sử dụng xe đạp để tham gia giao thông thường xuyên.

Tại Hà Nội, hiện đại học Bách Khoa Hà Nội đang triển khai thí điểm dự án năng lượng mặt trời và xe đạp điện thông qua việc vận hành các trạm sạc và cho thuê xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời tại một số trường đại học với hơn 700 xe đạp và xe đạp điện. Dự án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cho thuê 12.000 xe với 400 trạm sạc trên toàn thành phố.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn