MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lượng ôtô trong nước tồn kho cao

Cường Ngô LDO | 03/05/2020 16:29
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lượng sản xuất giảm trên 10% so với cùng kỳ còn lượng hàng bán ra thấp khiến tồn kho ôtô tăng tới 122,5% trong quý I. Cục này cũng đưa ra một loạt giải pháp gỡ khó cho ngành công nghiệp ôtô.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành sản xuất xe có động cơ giảm mạnh trước tác động của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng mạnh ở mức 20,8% so so với cùng kỳ 2018.

Sản lượng ôtô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành cũng tăng rất cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn tại Việt Nam trong thời gian vừa qua phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp do các đại ký bán hàng phải tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo cách ly xã hội từ 1.4.

“Đến nay sau khi việc cách ly xã hội kết thúc phần lớn các đại lý ôtô đã được gỡ lệnh cách ly, các doanh nghiệp ôtô đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên công suất sản xuất thấp, lắp ráp hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp do lượng tồn kho vẫn còn cao”, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết.

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của hiệp hội.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn như Thành Công, VinFast, Toyota, Honda, Mercedes... vừa qua phải dừng sản xuất 15 ngày theo chỉ đạo cách ly của Chính phủ, địa phương. Các đại lý bán hàng theo đó cũng tạm đóng để đảm bảo phòng dịch bệnh. Sau nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp ôtô, đại lý đã hoạt động trở lại nhưng công suất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở mức thấp do lượng tồn kho cao. 

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ôtô phải đối mặt, đại diện Cục Công nghiệp đã báo cáo Bộ Công Thương, kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất trong nước theo hướng ưu đãi cho tỷ lệ sản xuất nội địa. Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì theo hướng hoàn thuế sớm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ thêm vốn.

Bộ cũng kiến nghị điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung mức ưu đãi cao nhất các ngành sản xuất cơ khí trọng điểm.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng trước tình hình tồn kho cao. 

Trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trình Chính phủ thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ "cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước”.

Theo Bộ này, về lâu dài Chính phủ “xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ôtô nội"

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn