MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mưa bão, cây đổ làm hư hỏng xe: Trường hợp nào được bồi thường?

Hiếu Anh LDO | 16/10/2022 19:30
Bão Nesat đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, trong đó có nguy cơ gây đổ cây cối dẫn đến thiệt hại tài sản của người dân, nhất là phương tiện giao thông như ôtô, xe máy. Nếu xảy ra trường hợp này, chủ sở hữu cây cối có phải bồi thường không?

Theo Điều 604 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 lại quy định:

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Mùa mưa bão, cây cối có nguy cơ gẫy đổ rất cao. Ảnh LĐO

Như vậy, trường hợp cây cối gây thiệt hại cho người khác thì người sở hữu cây cối đó phải bồi thường thiệt hại theo Điều 604 Bộ Luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, chủ sở hữu có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường nếu xác định được việc cây đổ gây thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng.

Trong trường hợp bão làm đổ cây mà gây thiệt hại tài sản cho người khác như làm hỏng ôtô , xe máy thì cần xác định trường hợp này có phải là bất khả kháng hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bất khả kháng như sau:

“Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép”

Như vậy, một sự kiện được xem là bất khả kháng phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, sự kiện này phải là sự kiện khách quan xảy ra không phục thuộc vào ý chí của con người như bão, lũ, động đất, sóng thần…Thứ 2 người có trách nhiệm đã phải áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép ứng phó với sự kiện này.

Tóm lại với tình huống cây đổ mùa mưa bão mà gây thiệt hại cho người khác thì có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, chủ sở hữu cây cối đã khắc phục mọi biện pháp trước đó. Ví dụ đã chặt bỏ cành cây sâu mục, gia cố cây cối trước khi mưa bão xảy ra… Nhưng với sức bão quá lớn cây bị đổ dẫn đến thiệt hại tài sản của người khác. Trường hợp này, chủ sở hữu cây cối có thể không phải bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, trong trường hợp chủ sở hữu mặc dù biết được cây cối có nguy cơ gẫy đổ, đã được cơ quan chức năng yêu cầu chặt hạ hoặc tỉa bớt… nhưng cố tình không chấp hành. Với trường hợp này, chủ sở hữu có thể vẫn phải bồi thường nếu như cây cối đổ gẫy gây thiệt hại cho người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn