MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghị định 100 NĐ-CP đã tăng mạnh mức phạt người uống rượu, bia điều khiển ôtô, xe máy, xe đạp. Ảnh: Tô Thế

Mức phạt nồng độ cồn với người điều khiển xe đạp, xe máy, ôtô dịp Tết 2023

LÂM ANH LDO | 08/01/2023 07:00

Uống rượu bia rồi lái xe có thể khiến người lái mất tập trung, xử lý không chính xác, chạy xe với tốc độ cao, thậm chí ngủ gục hoặc say xỉn, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lái xe sau khi uống rượu bia sẽ đối diện với mức phạt hành chính, tước bằng lái.

Một hành vi vi phạm pháp luật vào dịp Tết mà người dân dễ mắc phải là việc uống rượu, bia sau đó lại điều khiển xe đạp, xe gắn máy, xe ôtô. Theo luật sư Ngô Việt Bắc - Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn luật sư TPHCM, pháp luật không cấm người dân uống rượu, bia nhưng lại có những quy định nhằm ngăn chặn tác hại của việc này.

Trong đó, có quy định xử phạt về vi phạm nồng độ cồn trong máu, nồng độ cồn trong hơi thở được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo tùy từng mức độ vi phạm (nồng độ cồn trong máu, nồng độ cồn trong hơi thở), mà mức xử phạt khác nhau đối với người điều khiển xe máy hoặc người điều khiển xe ôtô hoặc người điều khiển xe đạp.

Uống rượu, bia xong vẫn điều khiển xe có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Ảnh: Tô Thế

"Theo Nghị định 100, mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế"- luật sư Bắc cho hay.

Theo đó, với người điều khiển xe đạp, mức xử phạt sẽ thấp nhất là 80.000 đồng, cao nhất là 800.000 đồng.

Với người điều khiển xe gắn máy, mức xử phạt sẽ thấp nhất là 2.000.000 đồng, cao nhất là 8.000.000 đồng và còn bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến tối đa 24 tháng.

Với người điều khiển xe ôtô, mức xử phạt sẽ thấp nhất là 6.000.000 đồng, cao nhất là 40.000.000 đồng và còn bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến tối đa 24 tháng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Theo luật sư Bắc, Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi bên người thân, bạn bè. Nhưng cũng vào dịp này, một số người do không kiềm chế được bản thân nên dễ mắc phải một số vi phạm pháp luật và bị xử lý.

"Qua quan sát thực tết nhiều năm qua, tôi thấy một số hành vi vi phạm pháp luật cụ thể và điển hình là việc uống rượu, bia xong vẫn điều khiển xe ôtô, xe máy, thậm chí xe đạp gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Tôi hy vọng mọi người sẽ có ý thức không vi phạm pháp luật để có cái Tết an toàn"- luật sư Bắc chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn