MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương tiện vi phạm giao thông sẽ không phải nằm phơi nắng mưa ở các bãi tạm giữ. Ảnh: Đặng Tiến

Người vi phạm nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự bảo quản phương tiện

Đặng Tiến LDO | 04/05/2020 06:58

Nghị định 31/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013 ngày 3.10.2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 1.5.2020. Nghị định 31/2020 giải quyết được tình trạng không có chỗ giam giữ xe vi phạm luật giao thông, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều về các thủ tục hành chính rườm rà.

Mức bảo lãnh bằng mức phạt tối đa của lỗi vi phạm

Theo Nghị định 31/2020, người vi phạm giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình khi vi phạm, thay vì bị tạm giữ trước đây. Nếu, như đáp ứng đủ các quy định. Đặc biệt, phương tiện vi phạm không được phép tham gia giao thông nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chức năng.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 31/2020 có hiệu lực từ ngày 1.5.2020, được thi hành, áp dụng trên cả nước, không cần chờ thông tư hướng dẫn.

Tại Điều 14 của Nghị định, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đủ điều kiện thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ. Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.

Cũng theo Nghị định 31/2020, mức tiền đóng bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh. Nếu số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó.

Liệu có khả thi?

Nhiều ý kiến cho rằng, để được ký duyệt giải quyết bảo lãnh không phải dễ. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam), việc này không khả thi. Vì chỉ cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, việc vi phạm giao thông (nếu không để xảy ra tai nạn chết người) thì chỉ tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký hoặc phương tiện, không cần phải đặt tiền bảo lãnh.

Cũng theo ông Thanh, nhiều thủ tục hành chính để bảo lãnh nếu không kiểm soát tốt sẽ lại tạo cơ chế xin cho. Vì theo quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện… Tiếp đến, cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh…

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM), trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ.

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, căn cứ Khoản 10 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau: Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, quy định này là phù hợp với pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước không phải xây dựng các bến bãi để chứa phương tiện. Về phía chủ phương tiện cũng sẽ bảo quản một cách tốt nhất, không hư hại phương tiện của mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn