MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề cá, tôm chết là do nguồn nước ô nhiễm hay vì nguyên nhân nào?. Ảnh C.H

TP.HCM phản hồi bài báo "Hết đường mưu sinh vì bãi rác Đa Phước" đăng trên Lao Động

H.C LDO | 16/08/2018 12:10

Báo Lao Động đề cập đến vấn đề nhiều người dân xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM “tố” bãi rác Đa Phước gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của họ bị trắng tay. Sau khi báo đăng, chính quyền TP.HCM đã thành lập Đoàn kiểm tra  xác minh và đưa ra thông tin chính thức.

Báo Lao Động đã đăng loạt bài "Nhiều gia đình hết đường mưu vì bãi rác Đa Phước". Nội dung phản ánh nhiều người dân “tố” bãi rác Đa Phước gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của họ bị trắng tay. Sở Tài Nguyên và Môi trường đã gửi Công văn số 7820/STNMT-CTR đến báo Lao Động đề trả lời những thông tin mà báo đăng.

Một hộ dân tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) nuôi tôm bị chết hàng loạt. Ảnh: C.H

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) thực hiện việc cắm các biển báo, ghi chú về các vị trí xả nước thải.

Việc cắm biển báo này nhằm công khai các vị trí xả thải để người dân trong vùng biết và giám sát. Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã giao Ban Quản lý Các khu liên hợp xử lý chất thải của Thành phố giám sát hoạt động hằng ngày của bãi rác Đa Phước, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là giám sát về hoạt động xử lý nước thải và xả thải.

Người dân phản ánh với PV báo Lao Động việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của họ bị trắng tay do nguồn nước ô nhiểm. Ảnh C,H

Sở TNMT và UBND huyện Bình Chánh đã nhận thông tin phản ánh của người dân là cá tôm chết ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình của họ. Sở TNMT đã cùng UBND huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra hoạt động xử lý nước thải của bãi rác Đa Phước.

Bước đầu xác định, chưa phát hiện bãi rác Đa Phước cố tình xả nước thải chưa xử lý ra môi trường hoặc chất lượng nước sau xử lý vượt quy chuẩn xả thải cho phép. Kết quả kiểm tra không thể đánh giá được mối liên hệ giữa việc xả thải nước sau xử lý của bãi rác Đa Phước gây ảnh hưởng và làm chết thủy hải sản của người dân.

Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM gửi đến báo Lao Động để phản hồi thông tin báo đăng. Ảnh C.H

Về quan trắc chất lượng nguồn nước trên nhánh rạch Chiếu, nơi người dân xã Đa Phước nuôi trồng thủy hải sản bị chết hàng loạt.

Tại 12 vị trí quan trắc xung quanh khu liên hợp: Chất lượng nước mặt hầu hết đạt quy chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT, ngoại trừ chỉ tiêu DO,COD,BOD5,TSS,NH4,Fe tại một số vị trí quan tắc vượt quy chuẩn cho phép.

Trên cơ sở dữ liệu quan trắc trên, Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần có biện pháp kiểm soát, xử lý sơ bộ chất lượng nước trước khi lấy vào ao hồ, để tránh rủi ro trong quá trình nuôi thủy sản. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông tin để người dân biết và có mô hình nuôi trồng thủy hải sản phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn