MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà thầu sản xuất dòng xe nhỏ của Kia ở Hàn Quốc tạm ngừng sản xuất

Chấn Anh LDO | 07/04/2020 06:51

Donghee Auto - công ty sản xuất các mẫu Picanto và Ray cho hãng xe Kia tại Hàn Quốc vừa tạm ngừng sản xuất. Theo Reuters, đại diện công ty này cho biết, nhu cầu xe ở khắp Châu Âu đã giảm mạnh do dịch COVID-19.

Cụ thể, Donghee Auto đã tạm ngừng sản xuất tại nhà máy của hãng ở Seosan (Hàn Quốc) từ nay tới ngày 13.4. Hiện, Kia vẫn chưa có bình luận về việc tạm ngừng hoạt động này. 

Dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc cho thấy, trong tổng số 195.516 xe Picanto được sản xuất tại Hàn Quốc năm ngoái thì có đến 73% xe được xuất khẩu. Ảnh minh họa: Reuters

Hiện tại, tỷ lệ tồn kho của các hãng xe tăng cao cho thấy nhu cầu mua xe hơi giảm sâu. Các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi và cả các hãng xe nhập đối diện với thách thức: giảm giá xe, chịu tổn thất doanh số hoặc phải dừng sản xuất.

Mới đây, Hyundai Wia - nhà sản xuất động cơ cho Picanto và Ray cũng cho biết sẽ tạm ngừng hoạt động của nhà máy ở Pyeongtaek (Hàn Quốc) từ ngày 6.4 đến ngày 9.4.

Theo khảo sát tại Việt Nam, các mẫu xe cỡ nhỏ thuộc phân khúc A đang đón nhận nhiều chương trình giảm giá từ nhà sản xuất. Đáng nói, việc giảm giá lần này không chỉ xuất hiện trên những mẫu xe có doanh số thấp mà kể cả những mẫu xe bán chạy cũng đều góp mặt. 

Hai cái tên nổi bật nhất của phân khúc hạng A là Hyundai Grand i10 và Kia Morning đã tung ra các chương trình giảm giá. Đối với Kia Morning, ngoài việc đón nhận ưu đãi giảm giá trực tiếp bằng tiền mặt, khách hàng mua xe còn nhận được chương trình tặng kèm phụ kiện và bảo hiểm với tổng giá trị khoảng 18 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tại các đại lý của Toyota, mẫu Wigo cũng được ghi nhận mức giảm từ 10 - 16 triệu đồng. Chương trình giảm giá này được áp dụng theo hình thức trừ thẳng tiền mặt vào giá bán. Như vậy, giá bán của Toyota Wigo sẽ dao động trong khoảng từ 335 - 395 triệu đồng, thay vì giá niêm yết 345 - 405 triệu đồng.

Theo Bộ Công Thương, hết 3 tháng đầu năm chỉ số tồn kho ôtô tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng tồn kho tăng nhanh đồng nghĩa với doanh số bán xe của các hãng giảm mạnh, lợi nhuận giảm, chi phí sản xuất tăng cao.

Bên cạnh lượng xe tồn kho tăng cao, linh kiện xe nhập về Việt Nam cũng suy giảm, 15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng chỉ đạt 150 triệu USD, giảm gần 10 triệu USD so với cùng kỳ tháng trước và giảm hơn 20 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, trong tháng 3, doanh số bán xe hơi tại Việt Nam đã suy giảm, đến tháng 4, xu hướng này càng giảm mạnh hơn do Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Hầu hết các hãng xe, doanh nghiệp xe lớn đóng cửa, dừng giao dịch trong vòng 15 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn