MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều nước quy định bật đèn xe cả ngày: Có phù hợp điều kiện Việt Nam?

Khương Duy (T/H) LDO | 09/05/2020 19:00

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó, bổ sung nhiều quy định mới; đáng chú ý là đề xuất xe máy phải bật đèn sáng suốt cả ngày. Đề xuất này đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều nước quy định bật đèn xe cả ngày

Như chúng ta đã biết, việc bật đèn xe cả ngày được áp dụng từ rất lâu. Cũng chính vì lẽ đó những mẫu xe nhập khẩu như: Spacy, Honda SH, Liberty thường có đèn luôn trong trạng thái bật sáng, không có nút điều chỉnh bật/tắt. Vậy lý do nào khiến xe nhập khẩu này đèn luôn sáng?

Nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất bật đèn sáng suốt cả ngày. Ảnh minh họa: Phan Anh

Tại Châu Á, năm 1990, Nhật Bản cũng bắt đầu nhận thức được lợi ích và văn hóa giao thông bằng đèn. Cụ thể xe Cub 82/89 và các dòng xe khác sản xuất từ thời gian này không có công tắc đèn. Các xe máy này khi nhập vào Việt Nam đã được chế thêm một công tắc nhỏ dưới tay ga để tắt đèn vào ban ngày, tiết kiệm điện.

Mặc dù là đất nước nhiều nắng nhưng Thái Lan đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn ban ngày, đặc biệt với môtô, xe máy. Người lái xe ôtô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ rất xa, giảm thiểu được tai nạn khi cho xe rẽ phải, rẽ trái, nhất là khi đi trên quốc lộ.

Người ta còn phát hiện ra rằng khi đi đường đồi núi, quanh co, đường khuất tầm nhìn có gắn gương cầu lồi, các xe ngược chiều vào cua phát hiện được các xe ngược chiều từ xa. Từ đó Thái Lan ra quy định về việc bật đèn xe ban ngày.

Tranh cãi việc để đèn sáng cả ngày

Tại Việt Nam, mới đây đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trên các diễn đàn về xe. Nhiều người ủng hộ đề xuất này đồng thời kiến nghị mức phạt nặng đối với hành vi bật đèn pha khi lưu thông trong thành phố.

Bạn đọc Nguyễn Thành Nam bình luận: "Nhiều người phản đối nhưng nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, lợi ích của đề xuất rồi hãy phản biện. Tôi nghĩ nên đồng ý với đề xuất này. Ngoài ra phải phạt nặng những ông dùng chế độ pha vô tội vạ ở trong thành phố. Rất bức xúc với mấy tay bật đèn pha. Nhưng cái khó là làm sao có chứng cứ để phạt".

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Duy Linh cho biết: "Tôi từng ở Nga và họ thực hiện rất lâu rồi. Xe tôi để chế độ bật đèn cả ban ngày 10 năm nay rồi. Nhưng nhìn chung lại thì quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông thôi".

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối vì đề xuất không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bạn đọc Julken bình luận: 

"Ở Việt Nam là xứ nhiệt đới, cường độ ánh sáng mạnh, nóng bức. Ngoại trừ miền Bắc có mùa đông thì khu vực Trung - Nam bộ nóng quanh năm. Việc triển khai bật đèn ban ngày rất ít mang lại hiệu quả, thậm chí không mang lại hiệu quả gì.

Cứ nhìn mặt đường Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi qua mùa hè vừa rồi, không chỉ nóng rất kinh khủng mà còn phản lại ánh sáng mặt trời gây chói mắt khủng khiếp. Như vậy thì còn mắt mũi đâu mà nhìn đèn xe khác?

Như các nước xứ lạnh Nhật, Hàn, thời tiết nhiều sương mù hạn chế tầm nhìn thì áp dụng bật đèn ban ngày mới mang lại hiệu quả cao. Không khuyến khích áp dụng việc này tại nước ta".

Khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn