MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phương tiện thay dầu nhớt tại xưởng dịch vụ. Ảnh: Hyundai Bà Rịa - Vũng Tàu

Những loại dung dịch xe ôtô mà người sử dụng cần chú ý thay định kỳ

Thành An LDO | 23/02/2023 10:00

Bà Rịa - Vũng Tàu - Việc bảo dưỡng ôtô định kỳ rất quan trọng nhằm giúp xe hoạt động ổn định. Trong đó cần nắm rõ các loại dung dịch nên thay thế định kỳ.

1. Dầu nhớt động cơ

Dầu nhớt máy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của hệ thống động cơ. Dung dịch này có tác dụng bôi trơn, làm giảm ma sát và làm sạch các chi biết bên trong động cơ.

Khi hoạt động, dầu động cơ sẽ làm sạch muội than, cặn bẩn... trên bề mặt các bộ phận  và lưu giữ trong dầu. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng dầu nhớt động cơ thường bị biến sắc, xuống cấp làm giảm khả năng bôi trơn.

Theo khuyến cáo, người sử dụng ôtô nên thay dầu động cơ sau khoảng 5.000km hoặc 6 tháng, tùy theo điều kiện nào đến trước. Hoặc nếu trong thời điểm trên mà kiểm tra thấy dầu chuyển màu đen đặc hoặc màu cà phê đặc thì cần phải thay ngay.

2. Dầu hộp số

Dầu hộp số giúp giữ cho bánh răng hộp số vận hành mượt mà. Nhưng theo thời gian dầu vẫn sẽ bị bẩn và thay đổi chất lượng, khiến việc chuyển số gặp nhiều khó khăn.

Thông thường, sau khi ôtô di chuyển khoảng 80.000 km thì người sử dụng nên tiến hành thay dầu hộp số mới, và nên thay tại những địa chỉ sửa chữa uy tín. 

3. Dầu phanh

Dầu phanh đóng vai trò truyền lực từ bàn đạp phanh qua bơm cao áp chứa dầu (heo dầu) đến bốn bánh ở những ôtô sử dụng hệ thống phanh thủy lực.

Bình đựng dầu phanh trên một dòng xe ôtô. Ảnh: Hyundai Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo thời gian sử dụng dầu phanh sẽ bị hao mòn, chứa cặn bẩn trong quá trình truyền lực dẫn đến làm giảm hiệu quả, độ chính xác khi người lái đạp phanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn.

Dầu phanh thường có màu trong suốt, sau một thời gian sử dụng sẽ khiến dung dịch dầu chuyển sang màu vàng nhạt hay xanh rêu.

Vì vậy, tài xế cần thường xuyên kiểm tra dầu phanh. Nên thay mới dầu phanh sau 40.000 km hoặc từ 2 – 3 năm sử dụng xe.

4. Dầu trợ lực lái

Một số dòng ôtô hiện nay sử dụng hệ thống trợ lực tay lái thủy lực, giúp tài xế đánh lái nhẹ nhàng. Trong đó, dầu trợ lực tay lái đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của hệ thống này.

Nếu mức dầu không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến quá trình truyền lực, tay lái trở nên nặng hơn hoặc phát ra tiếng ồn khi đánh lái.

Dầu trợ lực tay lái cũng sẽ bị cáu bẩn, xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Nếu phát hiện dầu trợ lực lái có màu nâu hoặc đen, thì nên đưa xe đến các gara để thay thế.

5. Nước làm mát xe ôtô

Đóng vai trò giải nhiệt cho động cơ trong quá trình hoạt động, lúc này nước làm mát sẽ trung chuyển nhiệt lượng từ thân động cơ ra két làm mát.

Nếu lượng nước làm mát không đảm bảo sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho động cơ ôtô. Vì vậy, tài xế nên thường xuyên theo dõi mực nước làm mát để bổ sung hoặc thay thế đảm bảo quá trình giải nhiệt cho động cơ.

Theo khuyến cáo, phải đảm bảo mực nước luôn nằm ở giữa vị trí “Full” và “Low” hay ký hiệu “Min”, “Max” tùy theo dòng xe. Đồng thời, nên thay thế sau 40.000 km để tránh làm thay đổi thành phần hóa học trong dung dịch này. Lưu ý tuyệt đối không mở nắp két nước khi máy đang nóng.

6. Nước rửa kính, mỡ bôi trơn

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng cũng nên chú ý kiểm tra, bổ sung dung dịch nước rửa kính, để luôn có sẵn nước làm sạch kính lái khi cần thiết.

Ngoài ra, khi bảo dưỡng định kỳ cũng nên yêu cầu kiểm tra, thay thế, bổ sung mỡ bôi trơn cho một số vị trí trục xe. Điều này giúp giảm độ ma sát, vận hành trơn tru; còn có khả năng chống cặn bụi, gỉ sét ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn