MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những lỗi vi phạm giao thông mà tài xế hay mắc khi du xuân

Anh Tuấn LDO | 31/01/2023 11:00

Với tâm lý chủ quan, nhiều người đã mắc các lỗi vi phạm giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy đi du xuân sau Tết.

Vi phạm nồng độ cồn

Những ngày du xuân sau Tết Nguyên đán, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người rất cao. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt rất nặng.

Tại Điều 6 của Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển môtô, xe máy (gồm cả xe máy điện) quy định rõ 3 mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng.

Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, tức là phạt tiền đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng.

Lỗi không đội mũ bảo hiểm 

Những ngày du xuân, nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến mái tóc của mình. Đây là lỗi thường xuyên bị mắc phải trong những ngày đầu năm mới.

Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc khi tham gia giao thông áp dụng với người điều khiển và người ngồi trên xe máy, xe máy điện và xe đạp điện theo Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ. 

Theo điểm b khoản 4 và khoản 6 Điều 2 Nghị định 123 sửa đổi bổ sung Nghị định 100, mức xử phạt người tham gia giao thông và chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm đã được nâng lên từ 400.000 - 600.000 đồng.

Bên cạnh đó, đội mũ bảo hiểm phải đảm bảo cài quai theo đúng quy cách, nếu không vẫn bị tính vào lỗi vi phạm không đội mũ.

Với tâm lý chủ quan, nhiều người đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Tùng Giang 

Chạy xe quá tốc độ quy định

Nhiều người đi du xuân hoặc đi du lịch sau Tết thường có tâm lý sốt ruột dẫn đến chạy quá tốc độ. Đây là hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật.

Việc chạy quá tốc độ cho phép không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện mà còn cả những người khác cùng tham gia giao thông.

Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép xe máy di chuyển trong khu vực đông dân cư được quy định trong Thông tư 31 của Bộ Giao thông vận tải như sau: 

Đường đôi (đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa) và đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên: không quá 60km/h.

Đường 2 chiều (đường có cả 2 chiều đi và về trên cùng một phần đường chạy xe, không được phân biệt bằng giải phân cách giữa), đường 1 chiều có 1 làn xe cơ giới: không quá 50km/h.

Vượt đèn đỏ, đèn vàng

Người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị tính vào các lỗi vi phạm giao thông của xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức phạt này đã được tăng lên so với quy định cũ tại điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 100 (600.000 đồng - 1.000.000 đồng).

Sử dụng điện thoại khi đang lái xe

Từ ngày 1.1.2022, mức phạt với lỗi sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy cũng tăng mạnh. Theo đó, vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123. Người điều khiển xe máy cần lưu ý hạn chế vi phạm, dừng xe vào lề đường mới sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn