MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ôtô trong nước được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xe có cơ hội giảm

Anh Tuấn LDO | 18/09/2020 16:30

Tổng cục Thuế vừa có công điện gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế kịp thời triển khai thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định số 109/2020/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành ngày 15.9.2020 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020.

Được biết, theo quy định tại Nghị định 109, sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10.2020 với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3.2020 chậm nhất là ngày 20.9.2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4.2020 chậm nhất là ngày 20.10.2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5.2020 chậm nhất là ngày 20.11.2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10.2020 chậm nhất là ngày 20.12.2020.

Ôtô trong nước được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Vân Trường

Xe lắp ráp trong nước có cơ hội giảm giá

Chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành có ý nghĩa với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến thị trường ôtô cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, tháng 8 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 20.655 xe, trong đó doanh số của các dòng xe du lịch, thương mại, xe chuyên dụng đều giảm so với tháng trước.

Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 12.869 xe, giảm 20% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 25% và doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19%.

Theo Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành, các bộ ngành liên quan cần sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ôtô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Mục tiêu là nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khuyến khích cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ôtô.

Như vậy, cùng với việc Chính phủ đồng ý việc giảm 50% thuế trước bạ với xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước theo đề xuất của Bộ Công Thương, chính sách này sẽ tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vượt qua khó khăn và có thêm cơ hội giảm giá xe cho người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, hiện mức thuế Tiêu thụ đặc biệt đánh vào ôtô vẫn thấp nhất là 35%, cao nhất là 150% tùy theo dung tích xy lanh (từ 1.0 đến 6.0L). Nhiều nước hiện nay đã và đang bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi sử dụng động cơ điện, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu thân thiện môi trường hoặc xe có dung tích xy lanh nhỏ dưới 1,5L nhằm chuyển đổi phương tiện giao thông.

Việt Nam đã bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm điều hòa, tủ lạnh từ nhiều năm trước đây, song đối với phương tiện ô tô chỉ giảm từ 45% xuống 35%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn