MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh cãi thủ tục bảo hiểm khi ôtô bị sét đánh trúng. Ảnh: OFFB

Phân tích pháp lý vụ đòi bảo hiểm ôtô khi bị sét đánh

Xuyên Đông LDO | 27/08/2024 17:38

Thời gian qua trên mạng xã hội xôn xao vụ ôtô bị sét đánh yêu cầu bảo hiểm bồi thường nhưng đơn vị bảo hiểm đòi phải có hồ sơ công an.

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng văn phòng luật sư tinh hoa Việt cho biết, đối với các vụ việc cụ thể cần có đầy đủ hồ sơ thông tin để đối chiếu chúng ta mới có giải pháp, phương án.

Về mặt pháp lý nói chung có thể thấy như sau: Xe ôtô gặp rủi ro do sét đánh không ảnh hưởng đến người, tài sản của bên thứ 3. Do đó, trường hợp này sẽ loại trừ được bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc bồi thường.

Khi này phải xét đến yếu tố, chủ xe có mua bảo hiểm vật chất xe ôtô hay không? Đây là một loại bảo hiểm thương mại, tự nguyện. Do đó sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay có hiệu lực từ 1.1.2023.

Bảo hiểm vật chất ôtô là loại bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại. Căn cứ quan trọng nhất của loại bảo hiểm này là hợp đồng bảo hiểm mà 2 bên ký kết với nhau.

Trong hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định về phạm vi cũng như thủ tục hồ sơ bảo hiểm.

Còn tại Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra như sau:

Bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khi biết sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải chịu, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này nếu hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, các biện pháp chế tài trong việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo về sự kiện bảo hiểm.

Điều 53 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về giám định tổn thất như sau:

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.

Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên không thoả thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

Như vậy, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (cháy, nổ), người dân liên hệ ngay cho đơn vị bảo hiểm. Về hồ sơ thủ tục thì cần căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm để thực hiện.

Trong trường hợp 2 bên không thống nhất được nguyên nhân mức độ tổn thất có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn