MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí tự động không dừng (ETC) cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Đông

Phí đường bộ được chi vào những việc gì?

Xuyên Đông LDO | 04/02/2024 17:00

Phí đường bộ tăng từ 1.2, nhiều người không chỉ băn khoăn mức phí cao mà còn thắc mắc phí đường bộ chi vào những việc gì?

Theo Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ như sau:

Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ là Cục Đường bộ Việt Nam nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách Trung ương.

Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.

Trường hợp tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định được trích để lại 1,2% số tiền phí thực thu, để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ theo quy định.

Số tiền còn lại, tổ chức thu phí phải nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.

Nghị định cũng quy định chi tiết đối với các đơn vị đăng kiểm thực hiện thu phí.

Theo đó, đơn vị thu phí sử dụng đường bộ được trích để lại 1,32% số tiền phí sử dụng đường bộ thực thu để chi cho các nội dung sau:

Trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.

Trích chuyển về Cục Đăng kiểm Việt Nam 3% số tiền được để lại 1,32% để phục vụ công tác quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ của hệ thống đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc.

Trả lại tiền phí sử dụng đường bộ đối với các trường hợp không chịu phí quy định.

Số tiền còn lại, tổ chức thu phí sử dụng đường bộ chuyển về tài khoản chuyên thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời gian tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.

Cục Đăng kiểm Việt Nam nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thu phí chuyển về tài khoản chuyên thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí của Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Nghị định cũng quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo quy định.

Cục Đường bộ Việt Nam nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách Trung ương theo Chương của Bộ Giao thông Vận tải và chi tiết theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành để chi cho công tác bảo trì hệ thống kết cấu giao thông đường bộ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Trường hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp, số tiền phí được để lại là doanh thu của đơn vị và thực hiện khai, nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định pháp luật về thuế; trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức thu phí quản lý, sử dụng số tiền phí được để lại theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn