MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xe buýt vào thị trường Philippines. Ảnh: PV

Rộng cửa xuất khẩu ôtô thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế

Hương Nguyễn LDO | 01/01/2020 07:46

Sự kiện Thaco Trường Hải xuất khẩu thành công xe buýt đạt tiêu chuẩn quốc tế sang thị trường Philippines đánh dấu bước tiến mới trong Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ Việt Nam. Như cách PGS Dương Ngọc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Bộ môn Ôtô và Xe chuyên dụng (Đại học Bách khoa Hà Nội) tin tưởng: “Đó là nguồn động lực để doanh nghiệp Việt Nam tin rằng mình làm được nếu thực sự quyết tâm đồng lòng giữa Chính phủ, bộ, ngành và người dân”.

Tham vọng đưa ôtô Việt xuất khẩu ra thế giới

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp ở Đông Nam Á xuất khẩu xe buýt vào thị trường Philippines.  

Trao đổi với Phóng viên báo Lao Động, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải - cho biết: “Nhà phân phối Delta của Philippines trước đây chỉ nhập khẩu ôtô từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, giờ đây họ chấp nhận sản phẩm xe buýt Việt Nam. Mẫu xe của Thaco vượt qua thách thức là hàng rào kỹ thuật của Philippines và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Họ đồng ý ký tiếp hợp đồng nhập 200 xe buýt trong năm 2020”.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh: “Đây là mốc son có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam. Khẳng định năng lực, khả năng thực hiện chiến lược xuất khẩu ôtô của doanh nghiệp Việt Nam theo định hướng của Chính phủ trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với làn sóng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là từ các nước ASEAN” .

Không chỉ có Thaco Trường Hải của tỉ phú Trần Bá Dương mà ngay cả Vinfast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang  có kế hoạch xuất khẩu ôtô điện sang Mỹ vào 2021 - thị trường nhiều tiềm năng mang lại lợi nhuận.

Ông Phạm Nhật Vượng mạnh tay đầu tư 2 tỉ USD để đạt mục tiêu này. “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế” - tỉ phú 51 tuổi chia sẻ.

Bàn về giấc mơ chinh phục thị trường Mỹ của tỉ phú Việt, PGS Dương Ngọc Khánh - Phó Viện trưởng, Trưởng Bộ môn Ôtô và Xe chuyên dụng - cho biết: “Tôi thích sự mạo hiểm như thế, nếu doanh nghiệp Việt cứ sợ thì chẳng dám làm gì. Ở Mỹ, nếu nhìn hãng xe có lịch sử hàng trăm năm thì Tesla chẳng có nhiều kinh nghiệm. Vậy mà Tesla dù đi sau nhưng vẫn thành công. Cạnh tranh trong ngành Công nghiệp ôtô ở Mỹ rất khốc liệt. Nếu bán được ở Mỹ thì ôtô của Việt Nam sẽ cơ hội tiến vào các thị trường khác. Khi Apple ra mắt Iphone thì khi đó Nokia, Motorola đã quá nổi tiếng. Vậy mà họ vẫn có cơ hội, phải đặt mục tiêu khắc nghiệt mới chứng tỏ được mình. Nếu cứ lo sợ thì mãi mãi ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam không thể phát triển”.

Con đường nào cho ôtô thương hiệu Việt?

Làm thế nào để ôtô thương hiệu Việt tìm được chỗ đứng khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, PGS Dương Ngọc Khánh cho  biết: “Về công nghiệp ôtô, có những nhà sản xuất mới trên thế giới dù còn thiếu kinh nghiệm, nhưng họ vẫn làm được ôtô. Đó là nguồn động lực để doanh nghiệp Việt Nam tin rằng mình làm được nếu thực sự quyết tâm đồng lòng giữa Chính phủ, bộ, ngành và người dân”.

Đánh giá về cơ hội và thách thức của ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế, PGS Dương Ngọc Khánh nói: “Tôi hy vọng sẽ còn thêm nhiều nhà sản xuất ôtô nữa xuất khẩu được ra nước ngoài.  Đây là tín hiệu tốt cho công nghiệp ôtô Việt Nam. Thách thức chính là việc vươn ra biển lớn thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh những nhà sản xuất với kinh nghiệm hàng trăm năm trên thế giới. Ở nước ngoài bao giờ cũng có rào cản kỹ thuật, thách thức rào cản phi thuế quan vì họ có chế độ bảo hộ riêng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể tìm các thị trường ngách ví dụ như các nhà sản xuất ôtô lớn không chú trọng sản xuất dòng xe buýt”.

Tận dụng thị trường ngách, tận dụng những lợi ích mà các Hiệp định Thương mại FTA mang lại chính là cách để hỗ trợ ngành Ôtô Việt Nam phát triển. Nói về nguyên nhân hợp tác với Thaco, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Robbie P.Torres - Chủ tịch Auto Delta ở Philippines - cho biết: “Chúng tôi coi trọng chất lượng sản phẩm trước khi xem xét đến giá cả. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) giữa các nước ASEAN và Việt Nam, Thaco là doanh nghiệp tốt, chào bán sản phẩm chất lượng cao với mức giá cạnh tranh, và chúng tôi được hưởng mức thuế 0%. Đó là lý do vì sao chúng tôi hào hứng với việc hợp tác với Thaco”.  

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ngành Ôtô, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn