MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc siêu xe McLaren đã bị Phan Công Khanh cầm cố lấy 2 tỉ đồng. Ảnh: Công an cung cấp

Số phận chiếc siêu xe McLaren khiến Phan Công Khanh bị bắt khẩn cấp

LÂM ANH LDO | 14/07/2023 06:13

Chiếc siêu xe McLaren khiến Phan Công Khanh đang bị điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được xác định là vật chứng của vụ án. Theo luật sư, nếu muốn nhận lại chiếc xe, chủ sở hữu có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng để trình bày nguyện vọng và chứng minh mình là chủ sở hữu để được cơ quan chức năng cân nhắc giải quyết.

"Trùm siêu xe" Phan Công Khanh (sinh năm 1994, quê Bến Tre) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM bắt khẩn cấp để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ việc, chị L.N.T.H. (32 tuổi, ở TPHCM) có chiếc siêu xe hiệu McLaren cần bán. Qua quan hệ xã hội, chị H. quen và nhờ Phan Công Khanh bán xe giúp.

Bằng các thủ đoạn gian dối, Khanh chiếm đoạt chiếc xe và giao cho một nhân viên là Mohamach Da Pha (sinh năm 1996, quê An Giang) mang đi cầm cố lấy 2 tỉ đồng. Chị H. sau đó liên tục nhắn tin yêu cầu Khanh trả lại giấy tờ và xe nhưng Khanh không trả lời. Khi phát hiện mình bị lừa, chị làm đơn tố giác gửi công an.

Khanh bị tạm giữ để làm rõ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trước khi bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Ngô Việt Bắc - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, chiếc siêu xe McLaren trong vụ việc được xác định là vật chứng của vụ án nên việc trao trả chiếc xe cho ai sẽ được xác định theo quy định về xử lí vật chứng quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối chiếu quy định tại Khoản 3, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, cho thấy hiện nay không quy định thời gian bao lâu phải trả lại vật chứng. Vì vậy, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo thời gian luật định và vật chứng có thể được trả cho phía bị hại là chủ sở hữu chiếc xe trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

"Trường hợp nếu muốn nhận lại chiếc xe, chủ sở hữu tài sản có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng để trình bày nguyện vọng và chứng minh mình là chủ sở hữu chiếc xe.

Nếu xét thấy việc trả lại vật chứng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và thi hành án về sau, có thể yêu cầu của chủ sở hữu xe McLaren sẽ được cơ quan chức năng cân nhắc giải quyết" - luật sư nhận định.

Phan Công Khanh khai nhận hành vi phạm tội của mình tại Cơ quan Cảnh sát điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo tình tiết của vụ việc, luật sư Ngô Việt Bắc nhận định việc Phan Công Khanh đã tự ý mang xe thuộc quyền sở hữu của người khác đi cầm cố thì đã vi phạm nguyên tắc về cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật nên giao dịch cầm cố này là trái pháp luật và được xem vô hiệu.

"Căn cứ tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu như sau: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vì vậy, người cầm cố phải có nghĩa vụ bàn giao trả lại tài sản cho chủ sở hữu" - luật sư cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn