MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài xế có thể bị tước giấp phép lái xe 3 tháng nếu lái xe quá giờ quy định

Trần Khanh LDO | 17/12/2019 17:00

Thời gian làm việc của người lái xe ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được điều khiển liên tục quá 4 giờ. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên hầu hết các bác tài chuyên nghiệp thường bỏ qua quy định này.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, tại Khoản 1, Điều 65 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ôtô là không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Bên cạnh đó, luật áp dụng trực tiếp đối với người vận tải và người lái xe ôtô. Nếu tài xế vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt theo Điểm d, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, mức xử phạt từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe ôtô quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện khi vi phạm quy định còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, tuỳ theo mức độ.

Trao đổi với Báo Lao Động, anh Nguyễn Xuân Thủy (40 tuổi, tài xế lái xe chở khách đường dài) cho biết: “Mặc dù quy định về số giờ lái xe trong một ngày đã có từ lâu, nhưng không phải tài xế nào cũng có thể chấp hành nghiêm túc. Bởi tùy vào loại hình kinh doanh vận tải hay dịch vụ hành khách mà có sự khác nhau về giờ giấc lái xe”.

Anh Thủy cho biết thêm, thực tế, tài xế chở khách tuyến Cà Mau đi Bình Thuận xuất phát từ 5h thì khoảng 13h đến nơi. Sau đó quay đầu về Cà Mau lúc 15h và đến nơi khoảng 23h cùng ngày. Như vậy, tài xế đã lái xe khoảng 16h trong ngày, nhiều hơn 6 giờ so với quy định. Nhưng để giảm thiểu chi phí, một số chủ xe chỉ thuê 1 tài xế trong suốt hành trình.

Cùng quan điểm trên, anh Trần Đức Thắng (52 tuổi, tài xế lái xe tải Nam-Bắc) cho hay, trái cây sau khi hái ở miền Tây chỉ bảo quản được khoảng 10-15 ngày. Nhưng do chủ hàng ở các tỉnh biên giới phía Bắc muốn hàng nhanh chóng đến nơi, nên tài xế buộc phải lái xe trên 10 tiếng/ngày để kịp giao hàng. 

Ngoài ra, nếu trái cây không được bảo quản tốt thì chỉ trong 1 ngày là màu sắc đã thay đổi. Do đó, hàng đến chậm ngày nào là thương lái sẵn sàng ép giá ngày đấy. Thậm chí thương lái còn chê bai không nhận hàng nên tài xế thường gặp áp lực về thời gian công việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn