MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài xế xe công nghệ thấp thỏm, lo âu trước thời điểm chuyển thành “xe taxi"

Trần Khanh LDO | 14/03/2020 17:57

Nghị định 10/2020/NĐ-CP vừa ban hành nêu rõ, từ 1.4, các đơn vị quản lý xe công nghệ không được trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải. Với quy định này, hàng vạn lái xe công nghệ trên cả nước có thể gặp nhiều khó khăn về thủ tục chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Theo đó, các đơn vị quản lý xe công nghệ chỉ được phép lựa chọn một trong hai hình thức: Cung cấp phần mềm ứng dụng hoặc trở thành đơn vị vận tải chuyên biệt.

Cụ thể, nếu đơn vị cung cấp xe công nghệ trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước sẽ phải chuyển đổi loại hình kinh doanh và tuân thủ những quy định như doanh nghiệp vận tải. Nếu chỉ xác định cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải thì sẽ không được trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, không quyết định giá cước và phải chấp hành các quy định như một đơn vị kinh doanh phần mềm công nghệ.

Ngoài ra, Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng quy định, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn hộp đèn taxi trên nóc hoặc phải dán chữ “xe taxi” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.

Tỏ ra lo lắng về quy định mới, anh Nguyễn Thành Trung (34 tuổi) – tài xế chạy Grab tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đây, xe công nghệ chỉ cần được Sở Giao thông Vận tải cấp phép là có thể hoạt động kinh doanh trên đường. Nếu từ 1.4, Grab không còn là đơn vị được phép điều hành vận tải sẽ khiến hàng vạn phương tiện công nghệ gặp rắc rối, bởi phù hiệu “xe hợp đồng” không thể đăng ký hoạt động như taxi theo quy định mới”. 

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Thành Trung cho rằng, hồ sơ đăng ký kiểm định giữa xe chạy hợp đồng và xe taxi hoàn toàn khác nhau, nên việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều thủ tục phức tạp.

Một số tài xế xe công nghệ chia sẻ: “Những quy định mới có ảnh hưởng ra sao đối với các tài xế thì phải chờ đến tháng 4.2020 mới biết chính xác. Dù chuyển đổi theo hình thức nào, cơ quan chức năng cũng cần đảm bảo hài hoà quyền lợi giữa doanh nghiệp, người lao động và khách hàng”.

Trước thực trạng ngày càng nhiều công ty gọi xe công nghệ ra đời, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định: “Các công ty công nghệ hiện nay phải suy nghĩ, bởi công ty công nghệ thì không được quyền quyết định cước và điều động tài xế. Do đó, Nghị định 10 sẽ góp phần chuyển đổi các công ty gọi xe công nghệ trở về đúng mục đích cung cấp nền tảng ứng dụng, còn khách hàng được bảo hiểm tài sản và tính mạng khi sử dụng xe taxi chuyên biệt”.

Sắp đến thời điểm Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng giám đốc FastGo cho hay, đơn vị sẽ nghiêm túc thực hiện các quy định mới, trong đó ưu tiên lựa chọn theo mô hình ứng dụng kết nối vận tải. Đồng thời, đơn vị hỗ trợ cung cấp ứng dụng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải quản lý đối tác, tài xế. Còn các chủ xe tự quyết định chọn chạy taxi hay chạy xe hợp đồng. 

“Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần sớm có thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về một số quy định và ràng buộc cụ thể để các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng trong quá trình hoạt động. Mặt khác, mang đến sự yên tâm cho các tài xế công nghệ, giúp họ ổn định mưu sinh lâu dài” – ông Tuất nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn