MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thà một lần đau!

Huyền Trân LDO | 04/02/2016 19:00
Những ngày qua, tại Ga Sài Gòn, không ít hành khách dù đã có vé tàu tết nhưng vẫn không được lên tàu. 

Một số hành khách đã khóc oà khi gặp phải cảnh này và viện dẫn lý do không biết thông tin ngành đường sắt áp dụng quy định kiểm tra chặt chẽ như đi máy bay. Tuy nhiên, nói như vậy là chưa thật sự khách quan, bởi khi hành khách mua vé từ  gốc – các ga hoặc hệ thống đặt chỗ của ngành đường sắt - đều yêu cầu bắt buộc khách phải khai đầy đủ thông tin cá nhân (tên, số chứng minh nhân dân) người đi tàu để kiểm tra. Rồi cách đây 4 tháng khi triển khai bán vé Tết, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng ra rả về những quy định kiểm tra khi khách đi tàu.

Đây không phải lần đầu tiên ngành đường sắt áp dụng quy định này. Thật ra, việc ngành đường sắt kiểm tra thông tin cá nhân in trên vé với thông tin giấy tờ tùy thân khách đi tàu dịp tết đã thực hiện liên tục từ hơn 5 năm qua.  

Đây là chủ trương của ngành đường sắt nhằm chống lại nạn “cò” vé “chợ đen”  đầu cơ gom vé rồi dễ dàng bán lại cho hành khách để thu chênh lệch 250.000 – 300.000 đồng/vé. Có điều, những năm trước việc kiểm soát vé của ngành đường sắt không được thực hiện nghiêm túc nên có tình trạng nhiều hành khách mua vé từ “cò”, dù không đúng tên, số chứng minh nhân dân vẫn được nhân viên đường sắt giải quyết cho lên tàu tuốt. 

Và cũng bởi ngành đường sắt không làm đến đến chốn, những năm qua, các  đối tượng đầu cơ, “cò” vé lợi dụng tình trạng cung không đủ cầu nên khuyến dụ hành khách cứ mua vé ngoài “chợ đen”,  tuy  “không chính chủ” vẫn được giải  quyết lên tàu như mọi năm!  

Đó cũng chính là lý do vì sao những năm qua đối tượng đầu cơ, “cò” vé vẫn có cửa sống, hưởng lợi rất lớn từ nguồn tiền thu chênh lệch bán vé cho hành khách có nhu cầu về quê đón tết. 

Nhưng năm nay thì khác. Ngành đường sắt đã quyết liệt hơn, những hành khách cầm tấm vé đi tàu “không chính chủ” thì coi như vé không hợp lệ và không được đi tàu (ngoại trừ một số trường hợp  vé “chính chủ” có sai sót vài thông tin nhỏ thì được giải quyết lên tàu). Một số người cho rằng, ngành đường sắt quá cứng nhắc lẽ ra có thể cho hành khách điều chỉnh thông tin (nói nôm na là sang tên) để được lên tàu và thu thêm khoản phí cho việc điều chỉnh này. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại bày tỏ không ủng hộ việc sang tên này, bởi nếu ngành đường sắt vẫn tiếp tục cho hành khách mua vé “không chính chủ” – tức mua vé từ  “chợ đen” – được thoải mái sang tên như những năm trước, thì câu chuyện dẹp nạn “vé chợ đen” sẽ không có hồi kết. 

Và rồi, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là các tay đầu nậu, “cò” vé lại rủng rỉnh hốt bạc,  trong khi người lao động có nhu cầu về quê thì lại bị bắt chẹt  phải chấp nhận mua vé tàu với giá cao hơn quy định.

Thôi thì thà là một lần đau, để  từ nay sẽ nói không với nạn “cò” vé tàu “chợ đen”!  


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn