MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì từ loạt vụ tai nạn nghiêm trọng ở miền núi phía Bắc?

Lâm Anh LDO | 17/03/2016 07:54
Chỉ trong 3 ngày, tại khu vực đèo dốc ở tỉnh Hoà Bình và Lào Cai liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 4 người chết, 45 người bị thương. Nguyên nhân các vụ tai nạn đang được điều tra nhưng nghi vấn xe mất phanh do lái xe thiếu kinh nghiệm đi đèo dốc được đưa ra đặc biệt là vụ xe chở nhựa đường đâm vào xe khách trên QL6 qua Mai Châu, Hòa Bình.

Công tác khám nghiệm trong vụ tai nạn này cho thấy do đổ dốc dài khi xe đang chạy tốc độ cao, tài xế xe bồn đã rà phanh liên tục gây mất phanh, lật xe. Theo các chuyên gia ôtô xe máy, việc đổ đèo xuống dốc không chỉ đòi hỏi tài xế phải có kỹ năng lái, thao tác linh hoạt mà còn phải am hiểu cả địa lý.

Để đổ đèo, dốc an toàn, lái xe cần biết độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, thời tiết, địa hình, lưu lượng tham gia giao thông mà chọn số hợp lý. Tốc độ an toàn của xe khi xuống dốc là tốc độ mà người lái có thể làm chủ khi xuống dốc mà ít phải dùng phanh. Dù là đi xe số tự động hay số sàn, lái xe cũng cần lưu ý hãm tốc bằng số. Cụ thể, trên xe số tự động, ngoài số D, còn có các vị trí đã được đánh số 3-2-1 hay L, S, M dùng để phanh động cơ khi lái xe xuống dốc.

Nếu chọn số quá cao, xe sẽ chạy theo quán tính quá lớn, lái xe sẽ phải phanh nhiều, gây ra tình trạng mòn má phanh và có thể dẫn tới hiện tượng mất phanh. Khi xuống dốc mà xe trôi nhanh ngoài ý muốn thì ngay lập tức phải đạp phanh và gạt cần số về số thấp hơn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu chọn số quá thấp thì khi xuống dốc sẽ bị gằn, vòng tua máy lên cao, đi như vậy rất hại xe và người lái sẽ gặp khó khăn khi điều khiển, do đó, cần chọn cấp số phù hợp.

Trước khi vào cua, lái xe nên giảm tốc độ và khi bắt đầu vào cua cần quay vô-lăng nhẹ nhàng vừa đủ để chuyển hướng ôm cua. Tuỳ theo cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay vô-lăng, tránh quay quá nhiều làm xe bị lắc đuôi, khi hết cua thì từ từ nhẹ nhàng trả lái, tránh trả lái gấp và tuyệt đối không được thả vô-lăng tự quay hoặc xoa.

Với những khúc cua gấp, gập tay áo và có độ dốc lớn, ngoài việc giảm ga trước khi vào cua, người lái cần phải chuyển xuống cấp số thấp để phanh động cơ và khi vào cua, chân ga cũng nên thả lỏng, không đạp ga, sau đó quay vô-lăng để xe chạy theo quán tính, nếu cần có thể phanh nhẹ để giảm tốc độ, để hết dốc cua thì nhẹ nhàng đệm ga và trả lái.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi đi đường đèo dốc, không nên thay đổi tốc độ đột ngột quá lớn, không phanh gấp nhưng gặp trường hợp khẩn cấp vẫn có thể phanh để dừng được xe. Khi xuống dốc mà gặp đường trơn, mặt đường có nhiều bùn đất, người lái càng phải thận trọng và nên cố gắng chạy xe ở tốc độ ổn định, không đánh lái gấp, không phanh gấp. Nếu đường có nhiều vũng bùn nước, thì càng phải cẩn thận hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn