MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh Kiến Văn

Thói quen “xấu” nhiều người mắc phải khiến mũ bảo hiểm nhanh hỏng

Kiến Văn LDO | 05/05/2020 13:00

Là phụ kiện rất quan trọng để bảo vệ phần đầu khi lái xe máy, tuy nhiên khá nhiều tài xế lại thờ ơ với chiếc mũ bảo hiểm của mình.

Chắc chắn ai cũng không mấy xa lạ với mũ bảo hiểm trên xe máy. Nhưng lại ít biết rằng những thói quen hàng ngày tưởng không có gì lại khiến trang bị này nhanh chóng hỏng.

Hành động đầu tiên đó chính là hay treo mũ bảo hiểm ở kính chiếu hậu. Điều này dễ thấy ở hầu hết người sử dụng mũ bảo hiểm 3/4 và fullface. Đa phần điều cho rằng việc làm này sễ giúp cho chiếc mũ thông thoáng hơn sau khi sử dụng. 

Tuy nhiên, lâu dần sẽ làm cho lớp lót, đệm giảm đi độ đàn hồi. Nếu tình trạng lặp lại nhiều lần dễ rách lớp lót bên trong. Nếu chẳng may xảy ra va chạm thì khả năng chấn thương phần đầu rất cao vì nó không được các lớp đệm bảo hộ. 

Cách tốt nhất là nên để mũ bảo hiểm ở vị trí bằng phẳng trên yên xe rồi mở kính chắn gió để thoát khí bên trong để bảo vệ nó. Tuy tốn thời gian hơn nhưng sẽ bảo vệ được độ bền của mũ và hạn chế bốc mùi.

Tuy vậy, không nên để ngửa mũ phơi khô. Nhiều người lý giải vì sợ mũ bị ẩm do mồ hôi, nhất là những loại mũ kín đầu nên để mở rộng vùng phơi. Chẳng may rơi xuống đất dễ khiến mũ bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng, hư lớp nệm và keo. Hình thành những vết rạn nhỏ, lâu dần làm giảm khả năng chịu lực, va chạm của mũ. 

Bên cạnh đó, thói quen thường gặp ở hầu hết chị em đó là hay bỏ găng tay, khẩu trang trong mũ bảo hiểm. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến cho nó nhanh bẩn và dễ bốc mùi. Đơn giản là vì những thứ này tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên rất dễ dính bụi bẩn và mồ hôi của người dùng. Nếu để chung với nhau thì chỉ nhanh ẩm mốc và hư hỏng mà thôi.

Ngoài ra, một số biker chủ động xịt dung dịch khử trùng vào mũ bảo hiểm để làm sạch chúng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng dung dịch này chỉ có tác dụng làm thơm và sạch bề mặt bên ngoài. Còn bên trong thì vẫn còn dính bẩn. Do đó, nên tháo lớp lót và đệm để vệ sinh trực tiếp, loại bỏ sự hình thành của nhiều loại vi khuẩn. Để đảm bảo vệ sinh thì khoảng 2- 3 tuần nên giặt một lần. 

Dù vậy, chưa tính tới các va chạm mạnh dễ khiến chúng hỏng thì theo thời gian, độ bền và các chất kết dính giữa các bộ phận sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy cần lưu ý để thay mới chúng, đừng vì tiếc mà cố gắng sử dụng thêm sẽ gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Theo các chuyên gia xe máy thì cứ sau 5 năm nên thay thế mũ bảo hiểm ngay cả khi nó không gặp bất cứ vấn đề gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn