MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm BOT Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: KH

Thu phí tự động, tăng minh bạch các trạm BOT: Trên thúc dưới chậm, đẩy tiến độ thế nào?

Khánh Hoà LDO | 22/02/2018 14:00
Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT liên tục đốc thúc nhưng tiến độ triển khai thu phí tự động tại các trạm BOT trong thời gian qua bị đánh giá là còn ỳ ạch. Làm thế nào để đẩy tiến độ thực hiện mục tiêu thu phí tự động hoàn toàn trên toàn hệ thống quốc lộ trong năm 2019?

Tiến độ chậm, nhà đầu tư BOT câu giờ, người dân thờ ơ

Theo báo cáo của Vụ Đối tác công tư (PPP), đến nay mới có 12 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh chính thức vận hành thu phí tự động với tối thiểu 2 làn.

Còn theo đại diện của Cty VETC, đơn vị triển khai dịch vụ thu phí tự động, số trạm triển khai là 17/28 trạm thuộc dự án đã được phê duyệt trong năm 2018. Khảo sát thực tế cho thấy tỉ lệ người trả phí tự động tại các trạm đã triển khai còn rất thấp. Chẳng hạn, tại trạm BOT Hoàng Mai, Nghệ An - một trong những trạm triển khai khá sớm với lượng phương tiện trả phí tự động lớn, trung bình mỗi ngày trạm có doanh thu khoảng 890 triệu đồng nhưng thu phí tự động chỉ vào khoảng 60 triệu đồng, chiếm tỉ lệ chưa tới 7%.

Tại các trạm khác, con số này còn thấp hơn nhiều và theo thống kê lượng xe đã dán tem để thu phí tự động trên toàn quốc mới đạt hơn 400.000 phương tiện dù việc dán tem đã được triển khai tại các trạm đăng kiểm, trạm thu phí cũng như một số điểm lưu động. Đại diện VETC cho rằng khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân và xã hội.

Tuy nhiên, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thu phí không dừng gần đây nhất của Bộ GTVT, dưới những câu hỏi khó của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tới các đơn vị liên quan, nguyên nhân của tình trạng ỳ ạch triển khai dịch vụ này không chỉ nằm ở nhận thức người dân.

Theo báo cáo của đại diện Vụ KHCN và Vụ PPP, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu phí tự động bị ỳ ạch trong đó có chuyện một số nhà đầu tư né tránh không muốn thu phí tự động vì ngại minh bạch.

Cùng quan điểm, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Cty Tasco và VETC - cho rằng chậm tiến độ là do các nhà đầu tư BOT còn cơ quan nhà nước thì không điều hành được các nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư BOT cho biết họ ủng hộ chủ trương thu phí không dừng nhưng không muốn ký hợp đồng với VETC vì đó là dạng “đàm phán ép buộc” kiểu độc quyền vì hiện mới có công ty này chính thức được cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và mức thu phí trên tổng doanh thu còn cao.

Bên cạnh đó, dù đại diện VETC cho rằng người dân “hào hứng” với thu phí tự động và tự tìm đến với DN để dán tem nhưng thực tế việc tuyên truyền về lợi ích của loại hình này rất hạn chế và lượng xe dán tem còn thấp. Khảo sát cho thấy nhiều người chưa hiểu tác dụng cũng như cách sử dụng loại tem thu phí tự động này.

Thu gọn đầu mối, bổ sung nhà cung cấp dịch vụ để tăng tiến độ

Để đẩy tiến độ triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu và chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng tốc để có thêm nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động thứ 2 để có cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ.

Ông Thể yêu cầu chấm dứt tình trạng nhiều đầu mối chỗ này chờ chỗ kia và giao Tổng cục Đường bộ chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ tiến độ, nếu chậm thì giải pháp nào để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là hết năm 2018 triển khai thu phí tự động trên toàn bộ trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh và sang 2019 đưa toàn bộ các trạm thu phí trên quốc lộ vào thu phí tự động.

Để triển khai mục tiêu này, ông Thể yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại các quy định của pháp luật để đề xuất cho bộ xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy tiến độ triển khai, tăng lượng xe dán tem sao cho đến cuối năm phải dán thẻ thu phí tự động trên toàn bộ xe hiện hữu đồng thời làm việc với các nhà sản xuất, phân phối ôtô để xe mới xuất xưởng có luôn tem thu phí tự động.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, DN hiểu và ủng hộ chủ trương của Chính phủ.

“Đây là chủ trương lớn của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu của người dân sao cho minh bạch, nên không bàn lùi và ai thấy áp lực thì làm đơn xin chuyển công tác” - ông Thể nhấn mạnh đồng thời yêu cầu bổ sung việc thu phí tự động trên hệ thống cao tốc vào kế hoạch giai đoạn 1.

Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng có 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với 28 trạm (không bao gồm 9 trạm do Vietinbank cung cấp tín dụng) còn giai đoạn 2 áp dụng trên toàn quốc.

Hiện nay, ngoài công ty VETC, hiện còn có Cty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf) đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thủ tục, chính thức được thu phí không dừng. Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, Công ty Vietinf bắt đầu hoạt động từ ngày 1.4.2016 và chỉ mất chưa tới 2 tháng để được bộ GTVT phê duyệt đề xuất dự án thu phí không dừng cho các trạm thu phí do Vietinbank cung cấp tín dụng cùng tổng mức đầu tư dự kiến được duyệt là 2.122 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư phần thiết bị trung tâm dữ liệu (chưa bao gồm trung tâm dự phòng), trung tâm điều hành, thiết bị ETC tại trạm và các chi phí khác.

Dự kiến, tiến độ phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư dự án là từ quý III/2016 đến quý IV/2016; thời gian xây dựng và lắp đặt thiết bị từ năm 2016 - 2021. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tới tháng 7.2017 Vietinf mới trình hồ sơ lần 1 và sau đó phải hoàn thiện để nộp lại vào tháng 11.2017.

Tới đầu tháng 2.2018, Vụ KHCN, Bộ GTVT mới phê duyệt hồ sơ để đơn vị này chuẩn bị thủ tục đấu thầu theo quy định và theo một quan chức Bộ GTVT, nếu nhanh thì cũng phải tới quý III/2018 đơn vị này mới có thể chính thức gia nhập cuộc chơi để xoá thế độc quyền của VETC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn