MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tục đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm khi bị tạm giữ

Kim Nhung (T/H) LDO | 05/07/2022 06:37
Pháp luật có quy định về việc người vi phạm giao thông được đặt tiền để bảo lãnh xe vi phạm.

Điều kiện đặt tiền bảo lãnh

Theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông nếu có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Thẩm quyền cho phép đặt tiền bảo lãnh phương tiện thuộc về người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Mức đặt tiền bảo lãnh 

Theo quy định, mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông nếu có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh xe thì được xem xét để giao giữ, bảo quản xe vi phạm hành chính. Ảnh: CH

Thủ tục đặt tiền bảo lãnh

- Bước 1: Gửi đơn

Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm hành chính để được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính. Nội dung đơn ghi rõ:

+ Họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi tạm trú, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính.

+ Tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện.

+ Nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.

- Bước 2: Xem xét đơn

Trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

- Bước 3: Nộp tiền bảo lãnh

Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản:

+ Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo lãnh và tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.

+ Biên bản được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

- Bước 4: Giao phương tiện giao thông cho người vi phạm giữ, bảo quản

Sau khi tổ chức, cá nhân nộp tiền đặt bảo lãnh và hoàn thành thủ tục lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính phải được lập biên bản.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn