MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Muốn hạ giá và có cơ hội xuất khẩu ra khu vực ASEAN, ôtô “made in Vietnam” phải có tỉ lệ nội địa hoá từ 40%. Ảnh: Trần Thắng

Thuế nhập khẩu về 0% sau năm 2018: “Canh bạc” của doanh nghiệp ôtô Việt

Khánh Hòa LDO | 19/05/2017 15:00
Thừa nhận đã và đang lao vào “canh bạc” lớn khi đầu tư hàng triệu USD mở rộng sản xuất trong bối cảnh xe nhập từ ASEAN sẽ “đại hạ giá” khi thuế NK về 0% sau 1.1.2018 nhưng Hyundai Thành Công, một trong hai DN ôtô lớn nhất Việt Nam cho rằng đang “liều một cách có cơ sở” và người tiêu dùng sẽ được lợi.

Đầu tư sản xuất xe ở Việt Nam: Liều một cách có cơ sở

Trao đổi với báo Lao Động, ông Lê Ngọc Đức, TGĐ Cty Hyundai Thành Công cho rằng thị trường ôtô Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, cơ quan nhà nước đang xem xét việc có hỗ trợ để tiếp tục duy trì sản xuất lắp ráp ôtô trong nước hay mở cửa cho xe nhập khẩu còn các DN cũng đau đầu với chuyện lắp hay nhập. Chúng tôi đã có những phân tích, đánh giá thị trường... và mất 3 năm để nghiên cứu cho kế hoạch đầu tư. Đến nay chúng tôi đã chính thức bắt tay với tập đoàn Hyundai để thành lập liên doanh sản xuất và đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Người tiêu dùng đang rất chờ đợi năm 2018 thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0% để giá xe giảm xuống. Một số liên doanh đã có các động thái để chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, vì sao Thành Công và Thaco lại đầu tư cả triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất? Các ông có lường trước các rủi ro không?

Sau 1.1.2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ có thuế nhập khẩu 0% và giá chắc chắn giảm. Do đó, các thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN buộc phải nghiên cứu xem nên có theo đuổi thị trường Việt Nam nói riêng hay các nước ASEAN nói chung nữa không và họ đều có chính sách ngắn và dài hạn cho thị trường này. Còn Thành Công và Thaco đều là DN Việt Nam, trong mình có dòng máu dân tộc nên mong muốn duy trì và có ngành sản xuất ôtô trong nước dù không dễ chút nào. Trên thực tế, chúng tôi đã có cả một quá trình dài tạo dựng thị trường, có thị phần, có sản lượng để làm tiền đề đàm phán, lôi kéo mời chào các nhà sản xuất chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN đầu tư, chuyển giao công nghệ để từ phân phối, lắp ráp chuyển thành sản xuất hàng loạt. Không phải tự nhiên mà Thaco phải khởi động, duy trì chiến lược giảm giá kéo dài trong mấy năm qua, kéo theo nhiều hãng xe khác phải giảm giá theo. Chúng tôi xác định nếu không mở rộng sản xuất, không tăng cường tỉ lệ nội địa hóa thì sẽ mất cơ hội. Dù có nhiều khó khăn về chính sách, hạ tầng cũng như kỹ thuật nhưng cái khó nhất chúng tôi đã làm được, đó là tạo dựng được thị trường, tạo dựng được sự ủy quyền của đối tác, lôi kéo và thu hút họ cùng đầu tư, cùng mở rộng sản xuất... Các vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự quyết liệt, sự ủng hộ, quan tâm của chính phủ cũng như góc nhìn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này.

Việc giảm thiểu rủi ro về chính sách cụ thể là thế nào?

Trên thế giới, không riêng Việt Nam, công nghiệp ôtô cũng chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ, tôi không muốn dùng từ bảo hộ vì nghe hơi tiêu cực nhưng bản chất là vẫn phải có sự “bảo hộ” của Chính phủ.

Theo tôi, cần rà soát lại các chính sách thuế phí hiện nay, khi thuế NK ôtô từ ASEAN giảm về 0% thì có cần thiết phải duy trì thuế NK linh kiện ôtô từ các thị trường khác về VN ở mức cao hơn xe nguyên chiếc hay không? Nếu thuế linh kiện mà cao hơn thuế xe nguyên chiếc thì chẳng ai đầu tư sản xuất cả. Theo tôi, có thể nhìn câu chuyện của Ấn Độ, Malaysia khi họ khéo léo điều tiết trong chính sách thuế để không dẫm vào vạch đỏ của những cam kết của các hiệp định thương mại nhưng lại đi tiệm cận với khoảng hở của các quy định họ tham gia. Họ hỗ trợ cho DN có thời hạn bằng hàng rào thuế TTĐB. Tôi cho rằng chúng ta không nên sợ, đừng vì những cái chưa thành công của quy hoạch chiến lược ôtô trước đây mà bỏ đi cơ hội hiện tại.

Giá xe chắc chắn sẽ giảm

Nếu chính phủ tiếp tục bảo hộ thì khi nào giá xe mới giảm, người tiêu dùng mới có lợi?

NTD sẽ chỉ được lợi bởi bảo hộ ở đây không phải là sưu cao thuế nặng vì có muốn giữ thuế cao cũng không giữ được, vì chúng ta ký cam kết rồi. Không ai cản được thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0% và không dễ đưa giá xe nhập khẩu lên vì muốn xây hàng rào kỹ thuật cũng phải có các tiêu chí. Bảo hộ ở đây là các chính sách điều tiết của chính phủ để tạo ra các mức độ thu hút cho các nhà đầu tư nội địa hoá sản xuất trong nước bởi xe nội mà đắt hơn xe nhập thì bán cho ai. Sau khi xe nhập giảm giá, xe nội cũng sẽ có giá tốt vì điểm mấu chốt để cạnh tranh là phải rẻ hơn.

Vậy làm thế nào để xe nội rẻ hơn xe nhập? Mục tiêu nội địa hóa của Thành Công là thế nào?

Để giảm giá xe, cạnh tranh với các sản phẩm cùng phân khúc nhập từ ASEAN, chúng tôi đã phải tính toán tối ưu vận hành, tối ưu công suất. Chúng tôi sẽ sản xuất trong nước những chi tiết đóng gói cồng kềnh, có chi phí logistic cao.

Chúng tôi đã có đủ nguồn lực và để tạo giá trị khác biệt phải đầu tư nâng cao tỉ lệ nội địa hóa vì đây là thẻ thông hành để xuất khẩu xe ra khu vực. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2019, chậm nhất năm 2020 các sản phẩm sẽ đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%. Trong giai đoạn 1, Hyundai Thành Công đã đầu tư khoảng hơn 10.800 tỉ đồng để mở rộng sản xuất và hai nhà máy tại Ninh Bình sẽ đạt tổng công suất 160.000 xe - 170.000 xe/năm để phục vụ cho thị trường nội địa cũng như toàn khu vực ASEAN.

- Xin cảm ơn ông!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn