MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toát mồ hôi khi lái ôtô về làng dịp nghỉ lễ

Hiếu Anh LDO | 01/05/2023 18:00

Lùi nửa cây số chưa có chỗ quay đầu, đèn đỏ 9 lần mới qua cổng... là cảnh tượng nhiều tài xế gặp phải khi lái ôtô về làng dịp nghỉ lễ.

Anh Nguyễn Ngọc Nam, quê ở Hưng Yên làm việc ở Hà Nội chia sẻ “Dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 tôi được nghỉ 5 ngày nên đưa vợ con về quê chơi. Ở Hà Nội, đường đông, áp lực giao thông rất lớn. Thế nhưng về quê áp lực cho lái xe cũng không hề giảm. Về quê mặc dù lưu lượng giao thông không đông nhưng đường nhỏ lại rất nhiều chướng ngại vật. Khi thì gặp đống cát ven đường, lúc lại gặp nông sản người dân phơi lấn gần hết đường."

"Về quê dịp nghỉ lễ lần này, tôi còn gặp phải cảnh trớ trêu khi gần đến nhà thì gặp một đám cưới của người làng lấn hết đường. Không còn cách nào khác tôi phải lùi xe hơn nửa cây số mới có chỗ quay đầu" anh Nam kể thêm. 

Đám cưới chắn ngang đường ngày nghỉ lễ. Ảnh Ngọc Nam

Cùng cảnh ngộ như anh Nam, anh Nguyễn Minh Anh chia sẻ: "Tôi mới lái xe được 1 tháng nên chưa thạo tay lái. Khi về quê tôi khá chật vật mới lái qua đoạn đường nhỏ hẹp. Do đó, về quê lần này tôi phải gửi xe sang nhà ông chú vợ. Cổng vào vừa hẹp lại có chướng ngại vật phía trước nên tôi phải vừa đi vừa phanh 9 lần mới cho xe vào trong sân. Thế nhưng lúc xuống xe tôi xót xa khi nhìn thấy vết xước chi chít quanh đầu mũi xe cũng như thân ôtô"- anh Minh Anh ngậm ngùi tâm sự.

Lái ôtô về làng dịp nghỉ lễ có nhiều áp lực. Ảnh Ngọc Nam

Chia sẻ kinh nghiệm lái ôtô vào đường làng, anh Mai Lâm Quý, giáo viên dạy lái xe Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đức Thịnh cho biết, khi đi ôtô vào làng gặp đoạn đường xấu, lầy lội, nếu đi xe số sàn, lái xe cần chuyển xe về số thấp. Bởi số càng nhỏ thì sẽ càng có lực kéo mạnh hơn, giúp xe vượt qua chướng ngại dễ dàng. Nếu chạy xe số tự động thì lái xe có thể chủ động chuyển về chế độ số tay. Khi lái xe vào đường lầy lội, nguyên tắc thứ hai cần tuân thủ đó là chạy chậm. Bởi càng đi nhanh trên đường bùn lầy, xe sẽ càng dễ bị mất độ bám. Ngoài ra, nếu đi nhanh, gặp tình huống bất ngờ phải phanh gấp thì bánh xe sẽ dễ bị trượt hoặc bị lún sâu.

Khi xe chạy đường lầy nên phanh càng ít càng tốt, nhất là tuyệt đối không phanh gấp. Bởi càng phanh sẽ càng khiến xe dễ bị lún. Thay vào đó hãy phanh động cơ bằng việc chuyển về số thấp. 

Nếu lái xe đường trơn bình thường thì nên chạy theo vệt bánh xe vì phần nước hay bùn đất có thể đã được xe trước “dọn sạch”. Còn lái xe đường sình lầy nhiều thì theo kinh nghiệm không nên chạy theo vệt bánh xe của xe đi trước. Bởi nơi có vệt bánh xe thường bị lún sâu hơn, tăng nguy cơ lún bánh.

Nhiều chướng ngại vật khi lái ôtô vào làng. Ảnh Ngọc Nam

Anh Mai Lâm Quý cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm lái xe vào làng như, nếu chưa quen đường, lái xe có thể xuống đi bộ khảo sát, xem mặt đường, tốt, xấu, rộng, hẹp, có quay đầu được không, tránh né xe bò, xe cải tiến và đỗ như thế nào?

Nên hỏi xem xe cùng cỡ với mình đã có ai vào chưa? Nếu người ta vào được thì mình cũng vào được

Khi lái xe, tài xế nên hạ kính, vặn nhỏ đài, chỉnh gương, có thể kéo ghế lái gần thêm một chút.

Một số kinh nghiệm nên ghi nhớ là “tiến bám lưng". Đường làng thường hẹp nên khi quay đầu cũng phải tận dụng những khoảng trống dù nhỏ hẹp, có thể cũng mất vài ba đỏ. Còn "lùi bám bụng" để nhờ người nhà (người làng) xi-nhan giúp. Nhưng vào chỗ khó cũng không quá tin tưởng vào người xi-nhan vì có thể họ không biết lái nên xi-nhan có thể không chuẩn.

Khi đi vào đường làng mà gặp gia súc nên nhớ kinh nghiệm "Chó tránh đầu, trâu bò tránh sau" còn gặp đàn gà, vịt thì đỗ hẳn lại chờ cho chúng đi qua rồi đi tiếp.

Cuối cùng dù là người có kinh nghiệm nhưng nếu đi vào ngày lễ, tài xế nên gọi điện cho người thân, nhất là những người có kinh nghiệm lái ôtô để khảo sát trước tình trạng giao thông xem có đang làm đường, đám cưới hay chướng ngại vật gì không để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn