MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tồn kho ôtô tăng 347% trong quý I, tiếp tục đề xuất giảm 50% phí trước bạ

Cường Ngô LDO | 25/04/2023 17:39

Do mức tồn kho ôtô tăng 347% so với cùng kỳ năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước để kích cầu tiêu dùng.

Một số tỉnh thành vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về những khó khăn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu. Đáng chú ý là báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc về thực trạng đáng báo động trong sản xuất, tiêu thụ công nghiệp ôtô Việt Nam trong quý I/2023.

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, do quy mô thị trường khá nhỏ, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, sức mua của người dân và doanh nghiệp giảm mạnh dẫn đến tồn kho ngày càng lớn, trong khi chi phí doanh nghiệp ngày càng tăng. 

Công ty Toyota Việt Nam - doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh Vĩnh Phúc có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.

Phân tích nguyên nhân khiến sản lượng, tiêu thụ ôtô sụt giảm, báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga - Ukraina vẫn còn nhiều phức tạp.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong nước giảm sụt giảm, thuế trước bạ, các loại phí vẫn còn cao, các chính sách về hỗ trợ thuế trước bạ đã hết thời hạn... nên đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Điều này dẫn đến thị trường ôtô khá ảm đạm trong 3 tháng đầu năm 2023.

Giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn, kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái - ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm.

Doanh nghiệp sản xuất ôtô gặp nhiều khó khăn trước đà tiêu dùng suy giảm của toàn thị trường kể từ cuối năm 2022. Ảnh: Nguyễn Bình 

Trước thực trạng đó, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Có chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm 50% thuế trước bạ ôtô, giảm các loại phí, các loại thuế để kích thích tiêu dùng trong nhân dân.

Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Vào đầu tháng 3.2023 trong bối cảnh sức mua ôtô đang sụt giảm, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu thụ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.

Ngay sau đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm phí trước bạ cho xe ôtô lắp ráp trong nước.

Sau khi nghiên cứu, mới đây Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng: "Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn