MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Về mặt lý thuyết, ôtô bị tàu hỏa đâm có thể được bồi thường nếu mua bảo hiểm thân vỏ. Ảnh: OFFB

Tranh cãi việc ôtô bị tàu hỏa đâm có được bồi thường bảo hiểm hay không

Xuyên Đông LDO | 06/06/2024 19:00

Trên các diễn đàn xã hội, bạn đọc có sự tranh cãi về trường hợp ôtô bị tàu hỏa đâm xảy ra chiều 5.6 ở Hà Nội có được bảo hiểm bồi thường hay không?

Như Lao Động đã thông tin, lúc 17h16 ngày 5.6, tàu 3604 chạy đến km 12+200 khu gian Kim Nỗ - Phú Diễn (Hà Nội) va phải xe ôtô đỗ vi phạm giới hạn đường sắt. Xe ôtô sau đó văng ra khỏi đường sắt. Rất may vụ tai nạn không có thiệt hại người.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, có nhiều kiến trái chiều về việc trong trường hợp này, xe ôtô có được bảo hiểm bồi thường hay không?

Bạn đọc có tài khoản Lương Dung bày tỏ: “Theo tôi, trường hợp này, bảo hiểm thân vỏ sẽ không chi trả”.

Bạn đọc Nam Phạm cũng cho rằng ôtô không được bảo hiểm vì không tuân thủ Luật Giao thông.

Thế nhưng bạn đọc Anh Đức lại cho rằng, bảo hiểm là để đề phòng lúc rủi ro. Ở đây, lái xe không mong muốn và không cố tình để xe bị va chạm. Do đó, khi tai nạn xảy ra, hãng bảo hiểm cần phải đền bù.

Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, theo quy định hiện hành, có 2 loại bảo hiểm ôtô là bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới (bắt buộc) và bảo hiểm vật chất xe cơ giới hay gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ (tự nguyện).

Đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bắt buộc) là loại bảo hiểm dành cho bên thứ 3 nên sẽ không tính đến trong trường hợp này.

Chỉ có bảo hiểm thân vỏ (tự nguyện) nằm trong phạm vi điều chỉnh.

Đối chiếu Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau:

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo.

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể về bảo hiểm thân vỏ mà quy tắc bảo hiểm sẽ do các công ty bảo hiểm quyết định, tùy vào chính sách của từng hãng bảo hiểm mà chi tiết hợp đồng sẽ khác nhau. Do đó, để biết chủ xe có được bảo hiểm vật chất hay không cần phải căn cứ vào quy định cụ thể trong hợp đồng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về điều khoản loại trừ, tức các trường hợp hãng bảo hiểm không phải bồi thường. Nhưng điều khoản này cần được ghi cụ thể, chi tiết, rõ ràng trong hợp đồng mới có thể xác định.

Về mặt lý thuyết, chủ xe hoàn toàn có thể được bảo hiểm bồi thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn