MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở. Ảnh: Xuyên Đông

Trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Xuyên Đông LDO | 06/02/2024 16:41

Thông thường, khi kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, lực lượng chức năng kiểm tra qua hơi thở. Tuy nhiên vẫn có trường hợp lực lượng chức năng sẽ kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Bạn đọc Nguyễn Minh Hiếu ở Hà Nội hỏi: "Khi qua các chốt cảnh sát giao thông, tôi thường thấy công an đo nồng độ cồn qua hơi thở. Vậy trong trường hợp nào lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn qua máu?"

Trả lời vấn đề này, luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người tham gia giao thông được quy định trong Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA.

Theo đó, có 4 trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu như sau:

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Như vậy, thường trong trường hợp người tham gia giao thông gây tai nạn sẽ được chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, khi thấy người tham gia giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn, cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông có thể yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong máu hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .

Cụ thể, đối với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Về việc giữ xe vi phạm nồng độ cồn, Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên. Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn