MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ chính sách thuế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội "bùng nổ". Ảnh: Dantri

Từ 1.1.2018: Sản xuất ôtô trong nước sẽ “bùng nổ” nhờ thuế

Bảo Thắng LDO | 24/08/2017 11:02
Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, theo đó, các doanh nghiệp trong nước khi chú tâm tới nhóm xe dưới 9 chỗ và xe tải có trọng lượng dưới 5 tấn sẽ có cơ hội “bùng nổ” từ 1.1.2018.

Bộ Tài chính cho hay, việc xây dựng lộ trình giảm thuế đối với linh kiện ô tô chính là chính sách của Chính phủ, phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như xu hướng phát triển chung của khu vực. Đơn cử như trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), theo Hiệp định ATIGA Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết linh kiện ô tô xuống 0% vào năm 2018. Còn ở WTO, mức cam kết giảm thuế cuối cùng đối với linh kiện, phụ tùng ôtô là từ 0% - 30% tuỳ theo linh kiện.

Với xu hướng giảm mạnh thuế suất nói trên, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô trong 5 năm (từ 2018 đến 2022), kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp (SXLR) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 2 nhóm xe: Xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km và nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống. Theo Bộ Tài chính, hai nhóm xe này phải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 đến 2021), mức 5 từ 2020 trở đi.

Ở phương án 1, giảm thuế suất thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thương (MFN) của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe về 0%. Theo đó, mức giảm thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Còn ở phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15%, 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45% và 50% xuống còn 0%, và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của ô tô) để lắp ráp cho 2 nhóm xe nêu trên, từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Như vậy, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14 – 16% xuống từ 9 - 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Đánh giá ưu điểm của 2 phương án nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, đều khuyến khích doanh nghiệp SXLR ô tô được hưởng lợi thế từ Chương trình ưu đãi thuế giảm chi phí, giảm giá bán để nâng cao sự cạnh tranh so với ô tô nhập khẩu, qua đó, tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Khi áp dụng 2 phương án này, sẽ khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu ô tô.

Tuy vậy, cũng theo phân tích của Bộ Tài chính, cả 2 phương án đều có nhược điểm, đó là một số doanh nghiệp không có chủ trương mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ khó khăn do không được hưởng mức thuế suất 0% khi nhập khẩu bộ linh kiện để lắp ráp, các đơn vị này sẽ thu hẹp sản lượng SXLR và dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh thương mại, từ đó sẽ thu hẹp số lượng doanh nghiệp SXLR.

Với đề xuất nói trên, Bộ Tài chính sẽ tập hợp ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan, sau đó trình Thủ tướng xem xét, chỉ đạo để tổng hợp vào Tờ trình Chính phủ báo cáo về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 122/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9.2017, có hiệu lực từ 1.1.2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn