MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành động tua công-tơ-mét để có thể bán được xe ôtô cũ với giá cao hơn. Ảnh minh hoạ: Lâm Anh.

Tua công-tơ-mét để lừa khách hàng có thể dính án hình sự

Quý An LDO | 27/07/2023 16:39

Người có hành vi tua công-tơ-mét có thể bị phạt vi phạm hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Công-tơ-mét là đồng hồ đo quãng đường của xe đã đi. Dựa vào con số hiển thị, người mua xe cũ sẽ có căn cứ để chăm sóc, bảo dưỡng xe vào thời điểm thích hợp.

Trong thị trường xe ôtô cũ, việc xe đi ít hay nhiều là yếu tố tác động không nhỏ đến giá bán, điều này có liên quan đến độ hao mòn của chiếc xe.

Trước nhu cầu khá lớn trong thị trường xe ôtô cũ, thực tế cho thấy một số garage đã sử dụng chiêu thức tua công-tơ-mét, nghĩa là làm con số hiển thị ít hơn số km thực mà xe đã lăn bánh, làm thiệt hại cho người mua.

Theo luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw), tội lừa dối khách hàng có các dấu hiệu pháp lý cụ thể gồm:

- Chủ thể của tội phạm này là người bán trong giao dịch mua bán hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ...

- Mặt chủ quan của tội phạm này là thực hiện cố ý (bao gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp).

- Khách thể của tội phạm này là hành vi phạm tội của người phạm tội xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng (người mua).

- Mặt khách quan của tội phạm này có thể hiểu là sử dụng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán, được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu.

“Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi. Nếu xác định là có dấu hiệu tội phạm thì phải có dấu hiệu của đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên.

Cần xác định rõ việc tua công-tơ-mét của xe có thực sự là gian dối trong lúc thỏa thuận nhằm tạo cơ hội bán được xe, hoặc nâng giá trị xe lên so với giá xe có cùng các đặc điểm như trên” – ông Đô phân tích.

Cụ thể, Điều 61 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng.

Theo Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa dối khách hàng, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng từ thông qua việc gian lận hàng hóa để lừa dối khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn