MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vận tải biển còn gặp khó, Vinalines có gì trước thềm IPO?

Lâm Anh LDO | 26/01/2018 08:02

Dù thị trường vận tải biển chưa hết lao đao, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã có những thành tựu đáng kể sau một thời gian mạnh tay tái cơ cấu và chính thức cắt lỗ để chuẩn bị cho công cuộc IPO trước ngày 30.6.2018.

Đã qua được sóng lớn?

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu của Vinalines trong 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định đến thời điểm này, Vinalines giống như “con tàu vượt qua được sóng lớn” và từ một doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản đơn vị này đã dần hồi phục, cân bằng và có lãi hơn 500 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 800 tyỉ đồng trong năm 2017. 

Theo báo cáo của Vinalines, doanh thu hợp nhất của TCT này trong năm 2017 đạt gần 16.000 tỉ đồng (đạt 114,8 % so với kế hoạch); lợi nhuận đạt 515 tỉ đồng.

Cụ thể, tổng sản lượng vận tải cho đội tàu quốc gia chuyên chở năm 2017 đạt 130,9 triệu tấn; sản lượng vận chuyển do đội tàu Vinalines chuyên chở chiếm gần 20,2% tổng sản lượng vận tải của đội tàu quốc gia.

Đại diện Vinalines cho biết bằng nhiều biện pháp như xử lý tàu già, thua lỗ, cơ cấu tài chính với ngân hàng để giảm nặng lãi vay, trả nợ, xác định phân khúc thị trường kinh doanh phù hợp, bắt tay với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Than khoáng sản, Dầu khí, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình… mức lỗ của đội tàu đã giảm gần 53,2% so với năm 2016 và gần 50% so với kế hoạch của khối vận tải biển.

Trong năm 2017, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 tấn và hiện đội tàu của Tổng công ty có 91 tàu với tổng trọng tải khoảng hơn 1,8 triệu tấn...

Với các cảng biển chiến lược, 3 cảng biển trọng yếu (Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn) là những trụ cột kinh doanh quan trọng mà Vinalines nắm giữ 65% vốn điều lệ. Các công ty cảng còn lại sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức cao gồm Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương (nắm 49% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (nắm 51% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (nắm 51% vốn điều lệ).

Tính đến hết năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 39 DN trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 DN, thu về khoảng 2.428 tỉ đồng, lãi khoảng 360 tỉ đồng.

TCT này cũng đã xử lý được khoảng 6.598,2 tỉ đồng tiền nợ bao gồm 1.002,7 tỉ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và giảm 5.595,48 tỉ đồng nợ. Dư nợ toàn Tổng Cty tính đến thời điểm 31.12.2017 là 14.743,16 tỉ đồng bằng 23% so với thời điểm tái cơ cấu.

Tìm đối tác chiến lược để IPO

Dù đã được coi là vượt qua sóng lớn nhưng đại diện Vinalines thừa nhận còn nhiều thách thức và khó khăn trong thời gian tới khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối của các đối thủ trong và ngoài nước tại tất cả các thị trường vận tải biển, cảng biển lẫn logistics.

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Vinalines, thị trường logistics đã bị chiếm lĩnh 80% bởi các doanh nghiệp nước ngoài, 20% thị trường còn lại phân chia cho các doanh nghiệp trong nước và bị cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đã có thị phần ổn định như Gemadept, Viconship, Vietfracht.

Nguồn cung kho bãi dư thừa đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, đặc biệt là cạnh tranh giá làm giá liên tục giảm, thậm chí phải cung cấp miễn phí để duy trì và lôi kéo khách hàng, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành vận tải biển chưa hết suy thoái khiến nguồn đơn hàng trong và ngoài nước không nhiều trong khi sự cạnh tranh ngày càng nhiều và trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể tham gia những tuyến vận tải tại khu vực châu Á, hạn chế trong những tuyến biển xa. 

Trong năm 2018, Vinalines sẽ tiến hành cổ phần hoá nhưng phương án cụ thể đang chờ Thủ tướng phê duyệt và dự kiến đến cuối tháng 6/2018, Vinalines sẽ chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần. Điểm khó khăn nhất hiện nay là TCT này chưa có nhà đầu tư chiến lược nào được đăng ký mặc dù đã đàm phán với một số đối tác như Rent A Port (Bỉ), Deep C… 

Một số nhà đầu tư nước ngoài hiện còn tỏ ra dè dặt vì tỷ lệ sở hữu khoảng 30% vốn điều lệ là quá thấp và chưa đủ thu hút. Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hoá, Vinalines cũng sẽ phải giải các bài toán sắp xếp nhân lực, điều chỉnh chế độ chính sách, tiền lương, việc làm cho công nhân viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn